Cổ phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Hàng không Việt Nam bị đưa vào diện cảnh báo

06:54 12/04/2021

HoSE đã có quyết định đưa cổ phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Hàng không Việt Nam (HoSE: HVN) vào diện cảnh báo kể từ ngày 15/4/2021...

Quyết định này của Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đưa ra hôm 8/4 vừa qua. Được biết, nguyên nhân khiến HVN vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là âm 10.927 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm 9.327 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu áp dụng giá sàn chung cho vé máy bay như Vietnam Airlines đề xuất là vi phạm Luật Cạnh tranh, sẽ triệt tiêu động lực cạnh tranh

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu áp dụng giá sàn chung cho vé máy bay như Vietnam Airlines đề xuất là vi phạm Luật Cạnh tranh, sẽ triệt tiêu động lực cạnh tranh. (Ảnh: minh họa)

Kết quả kinh doanh cụ thể trong "năm Covid-19 thứ nhất” của Vietnam Airlines cho thấy, tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt hơn 40.538 tỷ đồng, chưa bằng một nửa thực hiện năm 2019, lợi nhuận sau thuế âm 10.927 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lãi hơn 2.345 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2020, vốn chủ sở hữu giảm mạnh xuống còn hơn 6.072 tỷ đồng từ hơn 18.607 tỷ đồng thời điểm đầu kỳ, do khoản lỗ lũy kế hơn 9.328 tỷ đồng gây ảnh hưởng.

Tại Đại hội cổ đông bất thường tháng 12/2020, Vietnam Airlines đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với quy mô 8.000 tỷ đồng.

Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines.

Tới cuối tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định quy định về việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng, sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn bằng đồng Việt Nam, không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng và số tiền cho vay của các khoản cho vay của tổ chức tín dụng đối với Vietnam Airlines theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng.

Thông tin mới nhất liên quan đến Vietnam Airlines là việc trong cuộc họp với Cục Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines đề nghị Cục Hàng không dành 50-70% slot bay nội địa cho và 100% slot quốc tế đợt bay quốc tế sắp tới.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng đã đề xuất đề xuất áp giá trần và giá sàn đối với vé máy bay.

Theo đó, tại phương án 1, Vietnam Airlines đề xuất giá sàn cho các đường bay dưới 500 km là 414.000 đồng/chuyến, các đường bay từ 500 - 850 km là 570.000 đồng/chuyến, các đường bay từ 850 - 1.000km là 755.000 đồng/chuyến, các đường bay từ 1.000-1.280km là 804.000 đồng/chuyến và các đường bay từ 1.280 km trở lên là 917.000 đồng/chuyến.

Đề xuất này của Vietnam Airlines dựa trên chi phí biến đổi của hàng không giá rẻ căn cứ theo chi phí của Pacific Airlines (thuộc Vietnam Airlines Group) giai đoạn 2019.

Tại phương án 2, giá sàn cho các đường bay từ dưới 500 km cho đến 1.280 km trở lên sẽ tăng dần từ 560.000 đồng lên cao nhất là 1,4 triệu đồng/chuyến.

Nhìn nhận về đề xuất của Vietnam Airlines, nhiều chuyên gia kinh tế và chuyên gia pháp luật cho rằng, nếu áp dụng giá sàn chung cho vé máy bay như Vietnam Airlines đề xuất là vi phạm Luật Cạnh tranh, sẽ triệt tiêu động lực cạnh tranh. Đặc biệt, việc áp dụng giá sàn chung cho vé máy bay sẽ làm mất đi cơ hội cơ hội được "bay" vé giá rẻ của khách hàng.

Đề xuất áp giá sàn vé máy bay của Vietnam Airlines đang vấp phải "làn sóng" phản đối của dư luận và các chuyên gia kinh tế, các nhà làm luật. Việc đề xuất áp trần vé máy bay của Vietnam Airlines là muốn "tước" đi cơ hội của hành khách được mua vé máy bay giá rẻ, chỉ có doanh nghiệp được hưởng lợi.

Nếu áp giá sàn vé máy bay và đưa ra 2 phương án áp giá sàn vé máy bay nội địa thì vô hình trung cơ quan quản lý đã tạo điều kiện để Vietnam Airlines được hưởng lợi mà "phớt lờ" lợi ích của người dân khi không còn được mua vé máy bay giá rẻ.

Trần Linh (T/h)