Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam khi dòng vốn FDI đổ bộ?

00:00 12/10/2020

Tại buổi tọa đàm Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam vừa được tổ chức mới đây, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đã bày tỏ quan điểm của mình về cơ hội mới trong tương lai đến từ nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước có bị ảnh hưởng bởi các dòng vốn FDI hay không.

Theo đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thời gian qua, năng suất của Việt Nam không cao và không kết nối được khu vực đầu tư nước ngoài. Lý do quan trọng là khả năng hấp thu công nghệ, trình độ quản trị của Việt Nam thấp.

Ông Lộc dẫn theo số liệu của Mạng lưới Khởi nghiệp Toàn cầu, Việt Nam đứng trong 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp cao nhất, nhưng Việt Nam cũng nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có khả năng hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp thấp nhất.

Ông Lộc thông tin, hằng năm ASEAN có đưa ra khảo sát năng lực quản trị của DN niêm yết trong thị trường chứng khoán, Việt Nam đứng thứ 6 trong số 6 nước được khảo sát. Trình độ quản trị của DN Việt Nam hiên nay là khâu rất yếu. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh DN, không chỉ có vấn đề cải cách thể chế của nhà nước mà DN phải tự nâng cấp mình.

“Chúng tôi đang đề nghị, ít nhất đưa những hộ kinh doanh có đăng ký trở thành đối tượng điều chỉnh của Luật DN, là một loại hình DN. Trong bối cảnh kinh tế số toàn cầu, một cá nhân kinh doanh cũng có thể kết nối với toàn cầu, phải kinh doanh trên thị thường toàn cầu và chịu áp lực cạnh tranh toàn cầu thì họ phải đạt chuẩn của toàn cầu. Muốn làm được phải nâng cao trình độ quản trị của khối DN này, đó là vấn đề cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời đảm bảo rằng khu vực này có khả năng kết nối với FDI. DN Việt Nam được nâng cấp cao hơn có thể tạo ra sản phẩm dịch vụ đáp ứng được cho các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Lộc cho biết.

Theo ông Lộc, một trong những bài toán khó của các nhà đầu tư nước ngoài là họ không tìm được đối tác ở trong nước để cung ứng linh kiện, phụ tùng mà phải mua ở nước ngoài với chi phí vận tải cao. Nếu được cung cấp ngay trong thị trường nội địa thì tốt hơn rất nhiều.

 
 
Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai khi dòng vốn FDI đổ bộ?

Doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai sẽ có nhiều cơ hội khi dòng vốn FDI đổ bộ.

Cũng tại tọa đàm, bàn luận về vấn đề này, ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin: Chúng ta cần tập trung hỗ trợ thúc đẩy các DN của Việt Nam dần dần bắt kịp, hướng tới thay thế DNNN về mặt công nghệ, khoa học, quản trị... chứ không phải quan điểm do sợ nước ngoài phát triển mạnh quá mà ta phải kéo xuống.

Chúng ta vẫn phải thúc đẩy khu vực đầu tư nước ngoài nhưng cũng phải ưu tiên tập trung hỗ trợ cho DN trong nước phát triển cao hơn, đó là mục tiêu và đúng như quan điểm của Đảng xuyên suốt từ trước đến nay, ngoại lực quan trọng nhưng nội lực là yếu tố quyết định.

“Còn về các vấn đề ưu đãi, tôi cho rằng qua việc đánh giá đầu tư nước ngoài qua 30 năm và đặc biệt là nghiên cứu ở Hải Phòng, đúng là cơ chế ưu đãi đầu tư cho các DN nói chung vẫn còn hơi lạc hậu, chúng ta tập trung theo chiều rộng quá, chứ không theo chiều sâu”, ông Thắng nói.

Ông Thắng cho rằng, trong thời gian tới cũng cần có những nghiên cứu để thay đổi cách tiếp cận này, theo hướng chỉ ưu đãi với phần giá trị gia tăng được làm trên đất nước Việt Nam, ưu đãi với phần có kết nối với DN Việt Nam, về khoa học công nghệ... những cái thực sự tạo ra giá trị hiệu quả thì mới được ưu đãi. Còn việc nhập khẩu máy móc, nguyên nhiên vật liệu rồi gia công xuất khẩu đi thì cần phải xem xét xem có được ưu đãi hay không.

Ongo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, vấn đề ưu đãi đối với thu hút FDI trong giai đoạn mới hiện nay thì chính sách ưu đãi không quá quan trọng. Việt Nam đang tham gia các hiệp định thương mại đa phương và song phương, chứng tỏ ưu thế của Việt Nam rất lớn. Với mỗi vị trí địa lý của các địa phương đều có đặc thù riêng và các DN mong muốn được đầu tư vào đó, chính sách ưu đãi chỉ là một phần để thúc đẩy họ.

“Tôi rất đồng tình vấn đề anh Thắng vừa nói là sắp tới sẽ xem lại các chính sách ưu đãi. Chúng ta đã có Nghị quyết 50 đối với dòng vốn FDI, trước đó, chúng ta đã có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, chính vì vậy, chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và trong nước cần có công bằng”, ông Thành nói.

Ông Thành nhấn mạnh, trước đây có chênh lệch về chính sách ưu đãi, DN Việt Nam yếu thế về vốn, công nghệ, trình độ quản trị DN đã thế lại không được ưu đãi, trong khi DNNN có đầy đủ tất cả lại được hưởng thụ ưu đãi.

Bên cạnh đó, còn một vấn đề chủ quan nữa, tôi cho rằng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sắp tới có những sửa đổi để làm sao thúc đẩy được DN trong nước phải chủ động. Bởi hiện nay, các DN trong nước đang bán cái mình có chứ không phải bán cái người ta cần, do vậy không thể kết nối được những cái cần của DN FDI muốn nội địa hóa, không vươn đến được dòng sản phẩm trong chuỗi giá trị của họ.

“Tôi cho rằng thay đổi nhận thức của người quản trị DN trong nước với chính sách ưu đãi giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài vào đầu tư trong nước phải làm đồng bộ, như vậy chúng ta mới có kỳ vọng là DN trong nước sẽ lớn lên trong dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khi vào Việt Nam”, ông Thành thông tin thêm.

Nam Dương