Sáng 9/7, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng”. Tại hội thảo, bà Nguyễn Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, nhấn mạnh rằng, kể từ đầu năm 2024, Việt Nam đã ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn. Cách tiếp cận toàn diện này đã mang lại những kết quả kinh tế - xã hội ấn tượng trong 6 tháng đầu năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,42%, lạm phát được kiểm soát hiệu quả, và tăng trưởng xuất khẩu đạt 14,5%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng tăng lên ở cả số dự án, vốn đăng ký mới, tổng vốn đăng ký và vốn thực hiện. Việt Nam hiện được xem là điểm sáng về cải cách và hội nhập kinh tế. Các chính sách ưu tiên bao gồm cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển vùng, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng suất lao động, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do (FTA) với một số đối tác mới.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM, đã trình bày báo cáo kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024, với hai kịch bản dự báo kinh tế vĩ mô cho năm 2024.
Trong kịch bản đầu tiên, tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,55%, xuất khẩu tăng 9,54% so với năm 2023, chỉ số CPI bình quân tăng 4,31% so với năm 2023 và cán cân thương mại thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD. Kịch bản này giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới duy trì ổn định và Việt Nam tiếp tục nỗ lực chính sách như trong nửa đầu năm 2024.
Trong kịch bản thứ hai, tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,95%, xuất khẩu tăng 11,64% so với năm 2023, chỉ số CPI bình quân tăng 4,12% so với năm 2023 và cán cân thương mại thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD. Kịch bản này giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có những chuyển biến tích cực hơn và Việt Nam thực hiện hiệu quả các giải pháp cải cách kinh tế, tăng năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để đạt được mục tiêu trong những tháng cuối năm, CIEM kiến nghị cần cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, thích ứng với các xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tăng năng suất lao động và hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới. Chính phủ cũng cần có giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp để tránh áp lực lạm phát, giữ gìn dư địa tài khóa để ứng phó với các cú sốc tương lai và thực hiện hiệu quả các FTA. Đồng thời, cần tập trung hơn vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thay vì yêu cầu tuân thủ nhiều quy định.
P.V (t/h)