Tại sao bà Harris chuẩn bị đến thăm Đông Nam Á? Tại sao chọn Singapore và Việt Nam?
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định về mục tiêu tái thiết lập chính sách của Washington với châu Á, chính sách này được cho là không được làm đậm nét dưới thời kỳ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bởi Đông Nam Á nằm ở trung tâm của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, gần đây nhiều quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hay Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã có những chuyến thăm khu vực này.
Singapore và Việt Nam quan trọng với kinh tế Mỹ. Singapore là trung tâm tài chính khu vực. Singapore tập trung nhiều trụ sở tại châu Á của doanh nghiệp lớn của Mỹ như Microsoft và Google.
Trong khi đó Việt Nam đang có vị thế ngày một lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó phải kể đến các sản phẩm bán dẫn; ngày một nhiều doanh nghiệp chuyển địa điểm sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Kỹ thuật Nanyang - ông Alan Chong nhận xét: “Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Singapore là hai nước có mối quan hệ ổn định và thân thiện nhất với Mỹ”.
Tuyên bố gần đây nhất của Nhà Trắng cho biết, Phó tổng thống Harris sẽ bàn thảo về những vấn đề như an ninh khu vực, cách ứng phó với đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và nỗ lực chung nhằm tạo ra một trật tự thế giới dựa trên luật lệ.
Tại Singapore, bà sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, sau đó đến thăm căn cứ quân sự Changi. Đồng thời bà sẽ có bài phát biểu trong sáng ngày thứ Ba tuần tới.
Tại Việt Nam, chuyến thăm của bà Harris sẽ bao gồm cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Y tế các nước thành viên ASEAN, khai trương văn phòng khu vực của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Các cuộc đối thoại về kinh tế sẽ tập trung vào những vấn đề gì?
Việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững ổn định nhiều khả năng sẽ là vấn đề được quan tâm nhiều nhất, xét đến bối cảnh tình trạng thiếu các sản phẩm bán dẫn toàn cầu đang ngày một tồi tệ hơn cũng như việc sớm cần có nguồn cung vắc xin COVID-19 và trang thiết bị y tế dồi dào.
Xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn từ Việt Nam sang Mỹ chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm bán dẫn nhập vào Mỹ (số liệu tính toán ở thời điểm tháng 4 năm nay), thực tế này cho thấy rõ ràng vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng châu Á vào Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư mạnh vào mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Intel tăng cường sự hiện diện ở Việt Nam, mở rộng dây chuyền và tăng cường năng lực sản xuất, theo một nhà điều hành cấp cao tại Intel.
Phó giám đốc phụ trách sản xuất, chuỗi cung ứng và hoạt động tại Intel Products Vietnam - ông Kim Huat Ooi nhận xét: “Nhu cầu với sản phẩm bán dẫn tăng cao trên toàn cầu, xu thế số hóa trên thế giới ngày một rộng rãi hơn do đại dịch COVID-19 đã dẫn đến tình trạng khan hiếm, nhiều công ty công nghệ trên toàn cầu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Nhiều ngành công nghiệp nội địa của Việt Nam cũng đang tìm đường thâm nhập vào thị trường Mỹ. Tập đoàn Vingroup đang có kế hoạch xuất khẩu các phương tiện chạy điện vào thị trường Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu phương tiện đi lại thân thiện với môi trường của thị trường này.
Singapore trong khi đó đang là một trong những trung tâm sản xuất chip quan trọng của châu Á. Mới đây tập đoàn GlobalFoundries của Mỹ công bố đầu tư 4 tỷ USD xây dựng nhà máy ở Singapore. Singapore đồng thời được coi như cửa ngõ vào khu vực còn lại của châu Á, chính vì vậy, Singapore có thể coi như một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng của châu Á.
Hoạt động xuất khẩu đang ngày một quan trọng hơn đối với các nền kinh tế Đông Nam Á cố gắng đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, dù rằng khu vực này đang là tâm điểm lây nhiễm của toàn cầu. Singapore và Việt Nam sẽ đánh giá cao những biện pháp giúp giải quyết được vấn đề này, ví như cam kết về vắc xin COVID-19 hay thỏa thuận đi lại.
Singapore và Việt Nam đang đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP). Liệu chuyến thăm của bà Harris có giúp làm tăng khả năng Mỹ tái gia nhập hiệp định này?
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi CPTPP vào năm 2017. 11 nước thành viên còn lại của CPTPP trong đó có bao gồm Singapore, Việt Nam, Brunei và Malaysia sau này đã ký kết CPTPP.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đảo ngược nhiều chính sách của chính quyền Tổng thống Trump trước đây, ví như chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, tuy nhiên lại không đưa ra thay đổi nào đặc biệt về thương mại.
Giáo sư tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak - ông Jayant Menon tin rằng nhiều khả năng chuyến thăm của bà Harris sẽ không nhắc đến việc Mỹ tái gia nhập CPTPP.
“Việc tái gia nhập CPTPP sẽ có giá trị chiến lược quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ với khu vực, tuy nhiên hiện chưa biết chỉ riêng điều này có đủ hay không bởi để làm được nó sẽ cần phải cùng phối hợp liên quan đến nhiều vấn đề như môi trường hay an ninh”, ông Menon nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Singapore - ông Vivian Balakrishnan khẳng định ông không tin sẽ có đột phá nào từ chuyến thăm của bà Harris: “Liệu có khả năng Mỹ tái gia nhập CPTPP không? Câu trả lời là không”. Phát biểu với giới truyền thông vào ngày thứ Hai tuần này, ông chỉ ra rằng những vấn đề nội bộ nước Mỹ hiện nay sẽ hạn chế khả năng của Nhà Trắng trong việc bàn đến nhiều vấn đề liên quan đến khung thương mại đa phương.
Thay vào đó, Singapore kỳ vọng có nhiều diễn biến tích cực liên quan đến thương mại số, ví như dòng chảy dữ liệu liên biên giới, thanh toán điện tử, những lĩnh vực mà Singapore đã hợp tác với Australia, New Zealand và một số nước khác.
Ngoại trưởng Singapore hy vọng: “Chúng tôi mong rằng Mỹ có thể góp phần kiến tạo nên kiến trúc của kinh tế số”.
Ngọc Điệp/ Theo Nikkei