Phú Thọ: Thêm 14,5 nghìn người lao động có việc làm Phú Thọ: Đưa hơn 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài Phú Thọ: Tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt trên 23 tỷ đô la |
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Matsuoka Phú Thọ (KCN Phú Hà, thị xã Phú Thọ). |
Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng hơn 10%, 6 tháng đầu năm 2024 tăng 14,5%. Chỉ số phát triển công nghiệp bình quân giai đoạn 2021-2023, tăng 12,6%, 6 tháng đầu năm 2024, tăng 33,8%.
Sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp là nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, gia tăng giá trị xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu trong các khu, cụm công nghiệp chiếm trên 85% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Hiện nay, với 4 khu công nghiệp đang đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh đã thu hút trên 170 dự án vào đầu tư, trong đó có hơn 90 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 20.000 tỷ đồng, hơn 80 dự án đầu tư nước ngoài có tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 2.000 triệu USD.
Đối với các cụm công nghiệp, toàn tỉnh có 27 cụm được thành lập, thu hút được 165 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 13.600 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 27.200 lao động.
Trong xu thế hiện nay, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đang diễn ra mạnh mẽ; vấn đề thuế các-bon, công cụ kiểm chứng các-bon được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới.
Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ chỉ có 28 doanh nghiệp FDI nhưng chiếm hơn 80% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. |
Do đó, tỉnh Phú Thọ đã định hướng phát triển công nghiệp có trọng điểm, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo chiều sâu, các ngành, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hướng đến phát triển công nghiệp xanh, bền vững, có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Sự chuyển dịch theo hướng từ các ngành thâm dụng tài nguyên, năng lượng, lao động sang các ngành sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và lao động, các ngành công nghiệp xanh, từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị.
Tập trung thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, bao gồm sản xuất vật liệu mới, thiết bị điện tử - viễn thông, sản phẩm công nghệ thông tin, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số.
Ưu tiên phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá nhằm hình thành năng lực sản xuất mới gắn liền với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để đi tắt, đón đầu trong phát triển một số ngành, sản phẩm, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm công nghệ cao.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Công Thương, với chức năng quản lý nhà nước, Sở tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tạo sự liên kết, hiệu ứng lan tỏa và gia tăng động lực tăng trưởng trong các ngành, lĩnh vực then chốt như công nghiệp truyền thống, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp mới, năng lượng sạch...