Thận trọng nhưng không bi quan
Chỉ số VN-Index giảm hơn 76 điểm, tương đương 9% chỉ trong 2 phiên giao dịch ngày 24 và 27/7, khi đón nhận tin tức về việc có bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. Những phiên sau đó, thị trường có trạng thái giằng co, tăng giảm đan xen trong biên độ rộng. Ðóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua (31/7), VN-Index chỉ còn giảm 6,8% so với ngày 23/4.
Hiện tại, không ít nhà đầu tư vẫn đang có tâm lý lo ngại về nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ hai, khi đó sẽ khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn kéo dài.
Trước đó, tác động của dịch bệnh tới các doanh nghiệp đã thể hiện rõ trong kết quả kinh doanh quý II (có tháng 4 là thời gian giãn cách xã hội) và 6 tháng đầu năm, với nhiều doanh nghiệp, ngành nghề ghi nhận mức giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ lớn.
Chẳng hạn, tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB), báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 cho biết, doanh thu giảm 21,5%, lợi nhuận sau thuế giảm 20,5% so với quý II/2019.
Luỹ kế nửa đầu năm, doanh thu và lợi nhuận của SAB đã giảm lần lượt 34,5% và 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) và Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE) cùng báo lãi giảm trong quý II/2020: VHM có doanh thu giảm 21,6%, lợi nhuận sau thuế giảm 55,3%, còn VRE có doanh thu giảm 17,8%, lợi nhuận sau thuế giảm 46,4% so với quý II/2019.
Một số doanh nghiệp vốn hóa lớn, đầu ngành khác thậm chí thua lỗ như Vietnam Airlines (HVN). Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 của các doanh nghiệp nhà nước tại hội nghị sơ kết của Ðảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương ngày 29/7/2020 cho biết, trong nửa đầu năm nay, khoản lỗ của HVN ước tính lên đến 7.474 tỷ đồng.
Quý I/2020, HVN báo lỗ quý là 2.611 tỷ đồng, như vậy, trong quý II, tổng công ty này lỗ gần 5.000 tỷ đồng.
Khó khăn của HVN là dễ hiểu trong bối cảnh các đường bay nội địa đã mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội nhưng lưu lượng chuyến bay, lưu lượng khách giảm, các hãng hàng không phải giảm giá vé để cạnh tranh, các đường bay quốc tế tiếp tục bị đóng băng.
Lợi nhuận quý II và bán niên 2020 giảm, thậm chí thua lỗ được ghi nhận/dự báo tại các doanh nghiệp lớn khác như Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VJC), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX)…
Thực tế, trước khi có thông tin về đợt lây nhiễm Covid-19 lần hai, tâm lý thị trường đã có sự chuẩn bị trước về khả năng VN-Index điều chỉnh, bởi mùa công bố kết quả kinh doanh quý II kém khả quan, trong khi không ít cổ phiếu đã phục hồi tích cực sau đợt sụt giảm tháng 3/2020 do dịch bệnh.
Trong bối cảnh đó, dịch Covid-19 quay trở lại như một cú “đánh bồi” khi vẽ ra viễn cảnh xám về triển vọng phục hồi lợi nhuận trong nửa cuối năm.
Tuy vậy, trong bức tranh lo ngại về thị trường tại đợt sụt giảm này, có những tín hiệu lạc quan để nhà đầu tư có thể kỳ vọng.
Thứ nhất, đó là kinh nghiệm và sự quyết liệt trong phòng chống dịch của cơ quan chức năng. Nhà đầu tư khó có thể dự báo quy mô, mức độ lây lan cũng như đoán trước khi nào dịch bệnh sẽ kết thúc, nhưng từ thành công của đợt chống dịch thứ nhất và những biện pháp khoanh vùng quyết liệt của cơ quan quản lý thời gian qua, nhiều khả năng sự lây lan của dịch bệnh lần thứ hai này sẽ sớm được kiểm soát.
Thứ hai, mức đáy của VN-Index trong tháng 3 đang tạo ra điểm tham chiếu cho đợt giảm điểm lần này và kích hoạt dòng tiền chủ động mua vào bắt đáy sớm hơn.
Sau 2 phiên giảm điểm mạnh khi đón nhận tin tức dịch bệnh quay trở lại, việc thị trường giằng co quanh mức 780 điểm cho thấy tâm lý dòng tiền tích cực hơn nhiều so với lần giảm đầu tiên vì Covid-19.
Thứ ba, dòng tiền khối ngoại đang có động thái mua ròng, đạt gần 1.100 tỷ đồng tính riêng trên sàn HOSE trong tuần qua, trái ngược với xu hướng bán ròng trong đợt giảm của thị trường tháng 3/2020. Ðây là sự hỗ trợ cả về sức cầu cho các cổ phiếu và tâm lý cho nhà đầu tư nội.
Thứ tư, giữa 2 đợt lây nhiễm dịch bệnh, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đã giảm trên dưới 1%/năm, khiến dòng tiền tiết kiệm có dấu hiệu chuyển dịch sang các kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao hơn.
Chứng khoán đang là lựa chọn ưu tiên khi hai kênh đầu tư phổ biến khác là vàng và bất động sản kém hấp dẫn hơn, bởi giá vàng đã tăng cao, còn bất động sản thanh khoản kém.
Thứ năm, dư nợ giao dịch ký quỹ thời điểm cuối quý II/2020 của nhiều công ty chứng khoán giảm so với cuối năm 2019. Việc thị trường chứng khoán không bị tác động bất ngờ vì dịch bệnh như đợt giảm tháng 3 giúp áp lực giải chấp margin.
Cơ hội để tích lũy cổ phiếu
Thị trường suy giảm là rủi ro đối với người nắm giữ cổ phiếu, nhưng với các nhà đầu tư dư giả tiền mặt thì đây là cơ hội để lựa chọn và mua vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt ở mức định giá hấp dẫn.
Trong đó, các nhóm cổ phiếu đáng quan tâm là nhóm có kết quả kinh doanh ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thậm chí hưởng lợi như doanh nghiệp hàng tiêu dùng thiết yếu; doanh nghiệp hưởng lợi từ làn làn sóng đầu tư công; nhóm khu công nghiệp hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ nước ngoài sang Việt Nam; nhóm ngành hưởng lợi từ xu hướng giá nguyên vật liệu đầu vào giảm…
Theo đó, nhà đầu tư vừa có thể tận dụng lướt sóng trong ngắn hạn khi thị trường hồi phục, vừa có thể nắm giữ đầu tư dài hạn.
Chẳng hạn, với Công ty cổ phần Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch (NT2), trong quý II/2020, nhờ hưởng lợi từ việc giá khí đầu vào giảm mạnh hơn giá bán đầu ra, nên dù doanh thu giảm 11,6% nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành 50% mục tiêu về doanh thu và 69% mục tiêu về lợi nhuận năm 2020.
Xét dài hạn, NT2 có sức hấp dẫn từ việc hoạt động kinh doanh đem về dòng tiền ổn định và duy trì được mức chi trả cổ tức cao.
Nếu như trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận của NT2 được cải thiện nhờ giá khí đầu vào giảm ít hơn giá bán đầu ra, thì trong những năm tới, triển vọng lợi nhuận, dòng tiền dự kiến sẽ còn tốt hơn khi Công ty trả hết nợ vay đầu tư nhà máy trong năm 2020.
Trong nhóm ngành vật liệu xây dựng, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý II/2020 tăng lần lượt 35% và 34% so với cùng kỳ năm 2019, nhờ sản lượng tiêu thụ thép tăng, giá thịt lợn ở mức cao và diễn biến tỷ giá thuận lợi hơn.
Trong nhóm hàng tiêu dùng, Công ty cổ phần Sữa VIệt Nam (VNM) có doanh thu và lợi nhuận đều tăng trên 6% trong quý II/2020, bất chấp ảnh hưởng bởi Covid-19.
Ngoài việc duy trì tăng trưởng cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, tình hình kinh doanh của VNM còn được đánh giá đang hưởng lợi từ xu hướng giảm của giá sữa nguyên liệu, giúp biên lãi gộp cải thiện so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm điểm với nhiều tin tức tiêu cực và tâm lý lo ngại bao trùm, sự thận trọng của nhà đầu tư là cần thiết, nhưng vẫn có những cơ sở để kỳ vọng vào một diễn biến tích cực hơn của thị trường trong thời gian tới.
Với góc nhìn này, một đợt điều chỉnh đã và đang mở ra cơ hội để dòng tiền tái khởi động chu kỳ đầu tư, cũng như tìm kiếm cổ phiếu triển vọng mới.
Khắc Lâm