Chủ tịch UBND tỉnh Long An - ông Nguyễn Văn Út đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật 6 tháng đầu năm 2024 vừa diễn ra vào ngày 31/7/2024 tại Long An.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp và địa phương phối hợp quan tâm, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm kịp thời củng cố, kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện; tiếp tục quán triệt công tác PBGDPL là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, địa phương, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và không xem đây là nhiệm vụ của riêng ngành nào. Vì vậy, tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể phải xác định rõ điều này để cùng thống nhất, phối hợp và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao.
Người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp chủ động nắm bắt tình hình dư luận xã hội để kịp thời tuyên truyền PBGDPL. Nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở và các vụ việc hòa giải, kịp thời hòa giải các mâu thuẩn phát sinh trong cộng đồng…
“Lãnh đạo, Trưởng Công an ở địa phương thì phải nắm chắc tình hình tại địa bàn phụ trách. Ngược lại, không thể chấp nhận việc Chủ tịch xã, hay Trưởng Công an xã lại không nắm được tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương, hoặc có điểm nóng về ANTT mà không biết. ANTT ổn định, xã hội an toàn thì kinh tế mới phát triển bền vững được. Đề nghị tới đây, để nêu cao vai trò quản lý địa bàn của người đứng đầu thì phải xem xét đến quy trách nhiệm cụ thể”, ông Nguyễn Văn Út nhấn mạnh.
Tại hội nghị, bà Phan Thị Mỹ Dung - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Long An, cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, các ngành, các cấp, địa phương đã tập trung triển khai, quán triệt Quyết định số 4402/QĐ-UBND ngày 03/12/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành; các luật, văn bản pháp luật lĩnh vực, ngành thuộc phạm vi quản lý; các dự thảo chính sách, pháp luật có nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; pháp luật về biển, đảo; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; các điều ước quốc tế ký kết giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới; các điều ước quốc tế về biển mà Việt Nam là thành viên. Tuyên truyền cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, khiếu nại, tố cáo, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, hỗ trợ khởi nghiệp; các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, UBND các cấp ban hành; các Chương trình, Đề án về PBGDPL; tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản Quy phạm pháp luật;…
Thông qua các hình thức tuyên truyền như phổ biến pháp luật trực tiếp, các sở, ngành đoàn thể tỉnh tuyên truyền, PBGDPL 191 cuộc với 862.290 lượt người tham dự; cấp huyện tuyên truyền 1.006 cuộc với 55.914 lượt người tham dự; cấp xã tuyên truyền 3.252 cuộc với 122.929 lượt người tham dự. Thông qua tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, Hội thi tìm hiểu pháp luật (6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh tổ chức 15 cuộc thi tuyên truyền trên các lĩnh vực với 34.379 lượt người tham gia). Tổng số tài liệu tuyên truyền PBGDPL được phát hành là 57.932 tài liệu tuyên truyền các loại.
Đối với công tác hòa giải ở cơ sở, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.002 tổ hòa giải, với 5.989 hòa giải viên. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã tiếp nhận 414 vụ, việc, tổ chức hòa giải thành 395 vụ việc. Tỷ lệ hòa giải thành là 95,41%, trong đó có một số đơn vị có tỷ lệ hòa giải thành 100% như: Cần Giuộc, Châu Thành, Đức Huệ, Mộc Hóa, Tân An, Tân Hưng, Kiến Tường, Thủ Thừa, Vĩnh Hưng.
Công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở Tư pháp. Tính đến ngày 30/6/2024, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức triển khai các quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được 15 lớp, với hơn 2.250 đại biểu là thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện; Lãnh đạo UBND, công chức chuyên môn, các đoàn thể, các xã, phường, thị trấn…
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - ông Nguyễn Văn Út lưu ý, cần tăng cường phối hợp hơn nữa trong công tác PBGDPL, phát huy rõ vai trò, trách nhiệm từng thành viên Hội đồng trong công tác PBGDPL. Tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật mới, nhất là các luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024 như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Bên cạnh đó, ông cũng giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các ngành có liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền PBGDPL trên nền tảng số của tỉnh, phối hợp với Công an tỉnh, các ngành, địa phương rà soát, kiểm tra đánh giá, tổ chức sơ kết lựa chọn các mô hình PBGDPL có hiệu quả để tham mưu nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Uyển Nhi