Điện Biên đặt mục tiêu thành “thủ phủ mắc ca”
Theo ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, triển khai đề án trồng 1 tỉ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, Điện Biên phê duyệt kế hoạch triển khai và đặt mục tiêu, đến hết năm 2025 sẽ trồng được trên 3,8 triệu cây xanh; gắn mục tiêu trồng cây để phủ xanh đất trống, đồi trọc với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn và xóa đói giảm nghèo.
Sau nhiều năm nghiên cứu và khảo nghiệm thực tế, Điện Biên và Hiệp hội mắc ca Việt Nam chọn mắc ca là loại cây trồng chủ lực để thực hiện mục tiêu phủ xanh đất trống đồi trọc và đây cũng là cây có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân.
Ông Đô nhấn mạnh, thực hiện Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Điện Biên đặt mục tiêu trở "thành thủ phủ cây mắc ca" ở Việt Nam và thế giới.
Đến nay, Điện Biên chấp thuận chủ trương đầu tư 10 dự án trồng mắc ca của 9 doanh nghiệp với quy mô trồng 62.782 ha. Các dự án được chấp thuận đầu tư theo mô hình hỗn hợp, một phần diện tích (50 - 60%) do nhà đầu tư trực tiếp trồng chăm sóc, một phần diện tích (40 - 50%) thực hiện theo hình thức liên kết với người dân có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua hợp tác xã.
“Mô hình này đảm bảo hài hòa về mặt lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, thời gian ban đầu thực hiện còn có những băn khoăn, thắc mắc nhưng khi người dân đã hiểu, lợi ích chính đáng được đảm bảo thì các dự án nhận được sự ủng hộ rất cao, từ năm 2021 đến nay toàn tỉnh trồng mới trên 4.000 ha theo hình thức liên kết này”, ông Đô nói.
Đa dạng chế biến để mắc ca phát triển bền vững
Ngay sau lễ ra quân trồng cây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã trồng vườn cây mắc ca tại bản Nà Nọi, xã Nà Nhạn (TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) theo mô hình liên kết giữa nông dân với Công ty CP Liên Việt Điện Biên.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, diện tích cây mắc ca phát triển mạnh ở Điện Biên, Lai Châu và Tây Nguyên những năm gần đây khẳng định được hiệu quả kinh tế, đặc biệt là ý nghĩa về an sinh xã hội khi tạo ra nhiều việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Thành công của cây mắc ca đã khẳng định đây là cây đa mục tiêu, là cây rừng rất có ý nghĩa về môi trường Việt Nam chứ không phải là cây ăn trái ngắn hạn. Trồng mắc ca để xóa đất trống đồi núi trọc khi diện tích này là rất lớn, cả nước vẫn còn khoảng 3 triệu ha.
Chủ tịch nước lưu ý, cây mắc ca được Chính phủ xây dựng đề ra chiến lược phát triển, đây là cơ sở để các địa phương đẩy mạnh, thu hút đầu tư mở rộng diện tích trồng mắc ca.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất trồng mắc ca phải làm chắc chắn trên cơ sở khoa học, thực tiễn nhu cầu thị trường, nhu cầu bảo vệ môi trường sinh thái để xóa đất trồng đồi trọc. Đây là vấn đề rất lớn của Việt Nam, đặc biệt là khu vực Tây Bắc. Chủ tịch nước yêu cầu Bộ NN-PTNT, Hiệp hội mắc ca Việt Nam và các địa phương, doanh nghiệp phải phối hợp nghiên cứu nâng cao chất lượng cây giống, không để cây giống không tốt ảnh hưởng đến năng suất chất lượng; tăng cường kiểm soát để người dân tiếp cận được cây giống tốt với giá cả hợp lý.
“Các địa phương phát triển cây mắc ca thành vùng tập trung là chính, có thể kết hợp xen canh nhưng chú trọng đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ; xây dựng mã số quản lý vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để quản lý chất lượng. Các doanh nghiệp đầu tư vào cây mắc ca phải tính toán phát triển công nghệ chế biến để sản phẩm phải đa dạng chứ không chỉ có hạt khô như hiện nay”, Chủ tịch nước gợi ý.
Chủ tịch nước cho rằng, để mắc ca phát triển bền vững thì phải thu hút nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế và các chính sách này phải do Bộ NN-PTNT, các địa phương, Hiệp hội mắc ca Việt Nam nghiên cứu đề xuất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng, chế biến mắc ca.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Hiệp hội mắc ca Việt Nam phối hợp với các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu, đồng thời là cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa các hộ dân và doanh nghiệp trong phát triển cây mắc ca theo chuỗi, hỗ trợ vay vốn, cung ứng dịch vụ để phát triển cây mắc ca hiệu quả và bền vững.
Hoàng Phan