Chủ tịch Hội DN tỉnh Vĩnh Phúc: Nghị định 92 của Chính Phủ là động lực cho doanh nghiệp và người dân phục hồi kinh tế

12:38 22/11/2021

Đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường, lây lan nhanh và rộng tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp và người dân.

Trước những khó khăn về dịch bệnh Covid-19, Chính phủ ban hành Nghị định 92/2021/NĐ-CP “về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19”. Để có cái nhìn khách quan, tổng thể về tình hình hoạt động của các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, cũng như việc triển khai Nghị định này như thế nào, PV đã có cuộc phỏng vấn bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội DN tỉnh Vĩnh Phúc. 

  Bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội DN tỉnh Vĩnh Phúc (đứng giữa).

PV: Ngày 27/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 92/2021/NĐ-CP về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Phạm Thị Hồng Thủy: Trong bối cảnh khó khăn đó, để thực hiện được “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Chính phủ ban hành Nghị định 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 (gọi tắt là Nghị định 92) Quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH 15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Với các giải pháp cụ thể được người dân và doanh nghiệp tin tưởng, kỳ vọng tính khả thi và đi vào thực tiễn cuộc sống, thực sự hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong lúc vô cùng khó khăn do dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh. Nghị định 92 sẽ tiếp thêm nghị lực, tạo cơ hội để doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển kinh tế.

PV: Bà đánh giá như thế nào về việc triển khai Nghị định trong thực tế?

Bà Phạm Thị Hồng Thủy: Trước Nghị định 92, Chính Phủ và các Bộ ngành đã ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Có những chính sách đã được triển khai nhanh chóng và kịp thời hỗ trợ, nhất là đối với người dân. Tuy nhiên, có những chính sách còn thiếu tính thực tế; quá trình tổ chức thực hiện còn bộc lộ những hạn chế, vướng mắc: Quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện chưa kịp thời. Tỷ lệ giải ngân thấp; các doanh nghiệp khó tiếp cận hoặc không muốn tiếp cận do điều kiện tiêu chuẩn còn quá cao, quá chặt chẽ; quy trình, thủ tục rườm rà, thiếu linh hoạt. Có chính sách còn mang tính ứng phó trước mắt, thời hạn áp dụng hạn chế, chưa có chiến lược dài hạn.

Nghị định 92 ban hành một số giải pháp miễn, giảm thuế tập trung vào thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và một số loại thuế khác. Tuy nhiên, để thụ hưởng chính sách “Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp”, doanh nghiệp phải có lãi để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thực tế trong hai năm qua, các doanh nghiệp đều ảnh hưởng, doanh thu giảm, chi phí chống dịch tăng, việc có lãi không cao. Như vậy, có thể nhiều doanh nghiệp không thuộc đối tượng hưởng chính sách. Đối với chính sách “Giảm thuế giá trị gia tăng”, chỉ thực hiện với hàng hóa, dịch vụ trong một số lĩnh vực, do đó, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề có sản xuất, cung ứng các hàng hóa không trong phạm vi điều chỉnh sẽ không được hưởng lợi từ chính sách này…

Để Nghị định 92/NĐ-CP và các chính sách khác thực sự đi vào cuộc sống, có hiệu quả tích cực đối với người dân và doanh nghiệp, trước hết cần khắc phục được những hạn chế đã nêu trên. Rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đều có chung quan điểm: các chính sách hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, kịp thời, dễ tiếp cận; đối tượng có thể mở rộng hơn, quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Điều kiện, tiêu chuẩn hỗ trợ có tính khả thi; các quy trình, thủ tục để được hỗ trợ phải được đơn giản, phải có lòng tin vào người dân và doanh nghiệp. Có như vậy các chính sách mới thực sự có hiệu quả, người dân và doanh nghiệp mới được thụ hưởng những ưu đãi,  hỗ trợ từ chính sách.

Hy vọng rằng, với nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, sự tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục hành chính của các Bộ, ngành và địa phương; các chính sách sẽ thực sự hiệu quả, đi vào cuộc sống. Với các giải pháp chống dịch thích ứng, an toàn, linh hoạt; sự đồng lòng ủng hộ, tin tưởng của người dân và doanh nghiệp; đại dịch covid-19 sẽ được khống chế, sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, người dân sẽ sớm được phục hồi và phát triển.

PV: Xin trân trọng cám ơn bà.

 Duy Thưởng (thực hiện)