Chống hàng giả, hàng nhái: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

00:00 12/10/2020

Thời điểm cuối năm luôn là khoảng thời gian mà nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao. Cũng trong dịp này, hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng bùng phát, gia tăng cả về số lượng lẫn chủng loại. Tình trạng này khiến không chỉ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp thấy mệt mỏi, đau đầu mà người tiêu dùng cảm thấy bức xúc do mua phải loại hàng hóa này.

Theo số liệu từ Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong 10 tháng qua, trên cả nước có gần 80.000 vụ việc vi phạm trong vấn đề hàng gian, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ được ngành chức năng phát hiện, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018 với tổng số tiền bị phạt và tịch thu hàng hóa trị giá hơn 1.500 tỷ đồng. Riêng lực lượng Quản lý thị trường, từ đầu năm 2019 đã phát hiện và xử lý trên 130.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách gần 600 tỷ đồng. Điều này cho thấy, tính chất và mức độ vi phạm trong việc làm hàng giả, hàng nhái, sao chép nhãn hiệu, thương hiệu ngày càng tinh vi và phức tạp. Đáng nói, nhiều đối tượng đã tận dụng sức mạnh của công nghệ để thực hiện những hoạt động phi pháp, quy mô hoạt động xuyên biên giới, kinh doanh hàng gian hàng giả thu lợi bất chính.

Lý giải về tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất là do cơ chế phối hợp và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm còn nhẹ. Hiện nay, có tới 5 cơ quan hành chính có chức năng và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ gồm cơ quan quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành Khoa học - Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an kinh tế, UBND các cấp cùng cơ quan Hải quan kiểm soát hàng nhập khẩu. Lực lượng quản lý, kiểm tra này tuy đông nhưng không mạnh. hoạt động rời rạc, thiếu sự đồng bộ về chất lượng cũng như số lượng, chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan lại chồng chéo nên dù chịu sự kiểm tra của các cơ quan nêu trên nhưng nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn tràn ngập trên thị trường. Việc phát hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường không khó vì chúng được bày bán khá công khai tại những nơi công cộng, nhiều loại chỉ cần nhìn mắt thường cũng biết là hàng giả, nhưng để khẳng định đó là hàng giả trước khi xử lý lại không dễ chút nào.

Theo quy định của pháp luật, để xử lý được hàng giả thì bắt buộc phải có giám định kết luận hàng giả. Nhiều mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, chi phí giám định rất đắt, khi đưa đi giám định buộc lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí giám định, nếu đúng là hàng giả thì phải tiêu hủy.

Theo bà Nguyễn Thị Ngà - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu, thuộc Liên hiệp hội Việt Nam, người tiêu dùng vẫn có tâm lý thích mua sắm hàng giá rẻ mà quên mất việc xem xét kỹ chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, nhiều người tiêu dùng còn có tâm lý bất hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, tố giác các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Điều này đã góp phần cho hàng giả, hàng nhái có cơ hội nở rộ và hoành hành, cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý vấn nạn này. Cũng theo bà Ngà, để công tác chống hàng gian, hàng giả có hiệu quả hơn, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan. Các bộ, ngành chức năng cần kiện toàn văn bản pháp luật, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, trường hợp nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Sự hợp tác và phối hợp của đông đảo người tiêu dùng là yếu tố vô cùng cần thiết trong việc đấu tranh, phát hiện và xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý, phản biện theo dõi giám sát việc hàng giả đạt hiệu quả. Lực lượng cán bộ thực thi nhiệm vụ cần nắm rõ thông tin, địa bàn để có phương án tuyên truyền, phối hợp kịp thời phát hiện, xử lý các vụ hàng gian, hàng giả có hiệu quả. Cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Còn ông Trương Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch Trung tâm Tư vấn chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu, cho biết, hiện tại, để ứng phó với vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, Trung tâm Tư vấn chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu đã xây dựng kế hoạch phát hiện để chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực thương mại điện tử đặc biệt trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019 sắp tới. “Hiện nay chế tài xử phạt vi phạm hành chính rõ ràng chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm, mức phạt còn rất thấp so với hậu quả mà họ đã gây ra cho xã hội. Đặc biệt là các hành vi vi phạm có ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người thì hình phạt chưa tương xứng.Vì thế cần hoàn thiện thêm về tội danh sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái và có hướng dẫn cụ thể để các quy định sớm đi vào thực tiễn, từ đó góp phần hạn chế, giảm tác hại của vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang hoành hành như hiện nay”, ông Tuấn kiến nghị.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Mặc dù hiện nay thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước rất cởi mở và lệ phí thấp, nhưng số doanh nghiệp thực hiện đăng ký nhãn hiệu chưa nhiều... Doanh nghiệp thường rơi vào tình trạng“mất bò mới lo làm chuồng”, chỉ đến khi bị xâm phạm nhãn hiệu, doanh nghiệp mới nhận thức được giá trị của nhãn hiệu. Truy xuất nguồn gốc được coi là “chìa khóa” khởi tạo lại niềm tin cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và cho chính hàng hóa Việt Nam. Trung tâm Tư vấn chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu là đơn vị trực tiếp xử lý các vi phạm hàng hóa khi phát hiện sự giả mạo và gian lận thương mại cùng doanh nghiệp.


Trần Thu Hương