Theo Forbes, bắt đầu từ năm 2021, TikTok đã sử dụng hệ thống kiểm duyệt hai cấp để ưu tiên với những người có số lượng người follow cao trên nền tảng này. Thông tin này được tiết lộ trong một đoạn ghi âm cuộc họp vào tháng 9/2021.
Trong đoạn ghi âm này cho biết, hệ thống đang sử dụng được tạo ra dành riêng cho những tài khoản có trên 5 triệu người theo dõi, nhờ vậy nên khi nói đến việc kiểm duyệt những người dùng có sức ảnh hưởng hoặc nổi tiếng như vậy, TikTok sẽ có cơ chế thanh lọc và xếp hạng kiểm duyệt riêng biệt cho họ.
Một nhân viên TikTok chia sẻ: “Chúng tôi không muốn coi những người dùng này giống như bất kỳ người dùng nào khác. Tôi có thể nói là sẽ có một chút khoan hồng hơn đối với họ”.
Thế nhưng trên trang web của mình, công ty cho biết, nguyên tắc cộng đồng áp dụng cho “mọi người và mọi thứ trên TikTok”.
Giống như hầu hết các nền tảng xã hội khác, TikTok phải tuân theo tiêu chuẩn cộng đồng, trong đó kiểm soát mọi thứ, từ tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em đến thông tin sai lệch về bầu cử cũng như những thách thức lan truyền nguy hiểm. Trang web của công ty cho biết, những quy tắc này “áp dụng cho mọi người và mọi thứ trên TikTok.”
Khi được hỏi về sự tồn tại của một hệ thống riêng biệt để kiểm duyệt nội dung của “nhà sáng tạo” tại Tiktok, phát ngôn viên của Công ty Jamie Favazza cho biết, Tiktok không đưa ra những quy định ưu tiên trong kiểm duyệt nội dung của các tài khoản với hơn 5 triệu người theo dõi. Favazza không trả lời liền câu hỏi liệu trước đây công ty có sử dụng một hệ thống như vậy hay không.
Dù chưa rõ thực hư thế nào nhưng nếu thông tin nội bộ chia sẻ trên là đúng, TikTok không phải là công ty đầu tiên đối xử “nhẹ tay” với những người dùng có sức ảnh hưởng trên một nền tảng nào đó.
Chẳng có gì lạ khi các công ty truyền thông xã hội lách luật cho người giàu và những người có quyền lực. Các công ty như Twitter, YouTube và thậm chí Spotify cố gắng lách luật cho những người nổi tiếng trong danh sách A, các công ty truyền thông và nhà lãnh đạo thế giới.
Công ty nổi tiếng nhất về những biệt đãi dành riêng cho người đăng tin có sức ảnh hưởng lớn là Meta, đối thủ chính của TikTok. Công ty mẹ của Facebook và Instagram phát triển một hệ thống nội bộ công phu giúp cho một số tài khoản tránh không bị hệ thống thông thường của công ty kiểm duyệt nội dung.
Vào năm 2021, The Wall Street Journal đã trình bày chi tiết cách hệ thống XCheck của Meta (Facebook) đã vận hành một quy trình riêng biệt cho hàng triệu người dùng Facebook và Instagram nổi tiếng.
Một bản ghi nhớ nội bộ được Wall Street Journal đăng tải đầu tiên chỉ trích cách làm này, phê bình “cách làm này càng làm mất niềm tin và củng cố thêm cách nghĩ Facebook thiên vị và hủy hoại mục tiêu xây dựng tính hợp pháp với các bên liên quan cũng như cộng đồng.”
Vào thời điểm đó, Facebook đã xác nhận sự tồn tại của hệ thống đó, nhưng lại cho rằng công ty phát triển hệ thống trên để đảm bảo chất lượng cho “nội dung có thể cần suy xét nhiều hơn".
Facebook từng không cấm tài khoản của Neymar, một ngôi sao bóng đá Brazil, ngay cả khi anh đã chia sẻ ảnh vi phạm nguyên tắc cộng đồng của công ty.
Hệ thống ưu tiên của Tiktok, dường như ít công phu hơn so với hệ thống Xcheck của Facebook. Ngoài ra còn lộ liễu hơn. Trong khi Xcheck lựa chọn nội dung ưu tiên sau khi đánh giá nội dung đó có “đáng đăng hay không” hoặc chỉ nhắm đến “quảng cáo”, còn hệ thống của Tiktok dựa hoàn toàn vào số lượng người theo dõi tài khoản để giảm bớt kiểm duyệt nội dung.
“Bạn hoàn toàn có thể hiểu lý do tại sao một công ty truyền thông xã hội muốn đưa ra đặc quyền ưu tiên cho các tài khoản thực sự nổi tiếng,” Evelyn Douek, Giáo sư tại Stanford Law School và nghiên cứu viên cao cấp tại Knight First Amendment Institute ở Columbia cho biết. “Vốn không có gì độc hại hoặc sai trái khi đưa ra những ưu tiên như vậy. Về cơ bản đó chỉ là một phương pháp thẩm định chuyên sâu hoặc đảm bảo chất lượng.”
Nhưng, Douek cảnh báo, một hệ thống như vậy có thể dễ dàng bị lạm dụng, đặc biệt khi những người muốn kiếm lợi điều hành hệ thống, buông lỏng kiểm duyệt. Mặc dù chúng có thể giống nhau, nhưng “hệ thống áp dụng nhất quán quy tắc rất khác với hệ thống áp dụng không nhất quán các quy tắc”, bà cho biết thêm.
T.H