Mở rộng cơ chế chỉ định thầu trong lĩnh vực công nghệ
Với Luật Đấu thầu, dự thảo điều chỉnh nhằm tăng quyền tự chủ cho các tổ chức, cá nhân trong lựa chọn nhà thầu đối với các dự án khoa học - công nghệ. Đáng chú ý, dự thảo mở rộng trường hợp được áp dụng chỉ định thầu, đặc biệt với các dự án cấp bách, có yêu cầu đặc thù về công nghệ hoặc mang lại lợi ích quốc gia.
Các doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (không sử dụng ngân sách nhà nước) sẽ được tự quyết định lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc minh bạch, hiệu quả và có trách nhiệm. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cảnh báo nguy cơ phát sinh cơ chế "xin – cho", trục lợi chính sách và đề nghị đánh giá kỹ tác động.
![]() |
Quốc hội nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án 1 luật sửa 7 luật lĩnh vực tài chính, đầu tư, ngân sách sáng 17/5. |
Điều chỉnh Luật PPP: Chấm dứt sớm dự án không hiệu quả
Luật PPP được sửa đổi nhằm mở rộng trường hợp chỉ định nhà đầu tư, nhất là đối với các dự án có yếu tố công nghệ chiến lược hoặc kết nối hạ tầng số. Chính phủ cũng đề xuất cho phép áp dụng hợp đồng BOT cho dự án nâng cấp công trình.
Đặc biệt, các dự án PPP trong lĩnh vực khoa học - công nghệ có doanh thu thực tế thấp hơn 50% dự kiến sẽ được xem xét chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Việc chia sẻ rủi ro doanh thu sẽ do Chính phủ quy định chi tiết.
Ưu đãi mạnh về thuế và thủ tục hải quan
Luật Hải quan sửa đổi tập trung vào việc ưu tiên thủ tục và chế độ ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn. Thủ tục xuất khẩu tại chỗ cũng sẽ được quy định rõ ràng hơn.
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sẽ mở rộng đối tượng được miễn thuế đối với hàng hóa phục vụ hoạt động khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như máy móc, thiết bị, linh kiện chuyên dùng.
Luật Đầu tư: Bổ sung ngành nghề ưu đãi, phân cấp mạnh hơn
Dự thảo Luật Đầu tư bổ sung các lĩnh vực được ưu đãi, bao gồm: hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, công nghệ 5G trở lên và các ngành công nghệ chiến lược. Đồng thời, bổ sung “dịch vụ liên quan đến tài sản mã hóa” vào danh mục kinh doanh có điều kiện.
Quyền phê duyệt chủ trương đầu tư với 7 nhóm dự án được phân cấp từ Thủ tướng cho UBND cấp tỉnh.
Luật Đầu tư công: Ưu tiên dự án đặc biệt, cắt giảm thủ tục
Dự thảo bổ sung khái niệm "dự án đầu tư công đặc biệt" – tức những dự án theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Chính phủ và ưu tiên bố trí vốn cho các dự án này.
Đồng thời, đề xuất nâng hạn mức vốn để các địa phương chủ động phê duyệt dự án, tránh tình trạng “vốn chờ dự án”. Phân cấp mạnh các thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn từ trung ương xuống địa phương.
Quản lý tài sản công theo hướng linh hoạt hơn
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sửa đổi tập trung vào các quy định liên quan đến tài sản hình thành từ hoạt động khoa học và công nghệ. Trường hợp khai thác tài sản không đủ chi phí, phần thiếu sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhìn nhận các đề xuất sửa đổi là cần thiết, kịp thời và đồng thuận với định hướng ưu tiên đổi mới sáng tạo, công nghệ và chuyển đổi số. Đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ các quy định để đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch và ngăn ngừa việc lạm dụng chính sách. |