Chiến lược tạo dựng kinh tế số của một số nước tiên phong

18:47 21/01/2023

Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới, cả các nước phát triển và các nước đang phát triển đều rất coi trọng phát triển kinh tế số. Ở nhiều quốc gia, việc tích hợp công nghệ số trong nền kinh tế đã góp phần đáp ứng nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả hơn nữa các nhu cầu của người dân. Việc tham khảo kinh nghiệm phát triển kinh tế số ở các quốc gia phát triển được đánh giá có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng chính sách phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh hội nhập.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Trong nhiều năm qua, nền kinh tế thế giới đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số. Kinh tế số, cùng với các biến thể như kinh tế Internet, kinh tế mạng, kinh tế tri thức, kinh tế mới đã trở thành mối quan tâm của các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách kinh tế xã hội. Ảnh hưởng của kinh tế số đã được lý giải thông qua nhiều lý thuyết, chẳng hạn lý thuyết về khuôn mẫu công nghệ (Technological Paradigm), lý thuyết công nghệ mang mục đích chung (General Purpose Technology). Nhiều nghiên cứu định tính và định lượng đã được thực hiện để nghiên cứu và đo lường ảnh hưởng cũng như mối quan hệ nhân quả giữa ngành công nghiệp số tới phát triển kinh tế nhằm đưa ra những chính sách phát triển kinh tế số phù hợp

Nhìn vào trong nước, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế số cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá kết quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, đồng thời, việc phải đối mặt với nhiều thách thức như hạ tầng số, hệ sinh thái số cũng đặt ra không ít khó khăn trong việc xây dựng chính sách phát triển kinh tế số. Trong khi đó, trên thế giới có rất nhiều các quốc gia đã đạt được thành tựu trong việc việc tích hợp công nghệ số trong nền kinh tế, qua đó góp phần đáp ứng nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả hơn nữa nhu cầu của người dân. Đức, Thái Lan, Singapore là ba trong số nhiều quốc gia như vậy, họ đã có thành công trong việc phát triển kinh tế số, tạo điều kiện phát triển nền kinh tế - xã hội. Việc tìm hiểu, vận dụng kinh nghiệm của các nước phát triển kinh tế số thành công như Đức, Thái Lan, Singapore sẽ cho Việt Nam các bài học quý trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách phát triển kinh tế số.

Singapore: Vừa kiến tạo vừa hỗ trợ trực tiếp

Singapore đã từng đặt mục tiêu rất rõ ràng là trở thành nền kinh tế số dẫn đầu thế giới. Để đạt được mục tiêu này, Singapore đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và chuẩn bị các điều kiện, các yếu tố hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế số.

Để tạo nền tảng cho kinh tế số, Chính phủ Singapore quan tâm đến việc thiết lập các điều kiện tiên quyết và tạo điều kiện cho các yếu tố, đặc biệt là về nguồn nhân lực. Singapore đặc biệt chú trọng đến việc tạo dựng và phát triển đội ngũ lãnh đạo kỹ thuật số trong các doanh nghiệp. Chính phủ cũng tích cực xây dựng các chương trình đào tạo, huấn luyện nâng cao, kỹ năng số cho lực lượng lao động phổ thông hiện có. Chính phủ cũng mở nhiều chương trình, khóa học nhằm bồi dưỡng kỹ năng mới cho người lao động bị mất việc làm hoặc có nguy cơ mất việc cao do chuyển đổi số. Quốc gia này cũng đang mở rộng các chương trình và khóa học được cung cấp trong trường học cho học sinh sử dụng nền tảng kỹ thuật số, bao gồm lập trình, tư duy thiết kế và các kỹ năng kỹ thuật số định hướng tương lai.

Singapore đã từng đặt mục tiêu rất rõ ràng là trở thành nền kinh tế số dẫn đầu thế giới
Singapore đã từng đặt mục tiêu rất rõ ràng là trở thành nền kinh tế số dẫn đầu thế giới.

Bên cạnh đó, Chính phủ Singapore cũng tăng cường an ninh mạng để đảm bảo hạ tầng kỹ thuật số của nền kinh tế nhằm đảm bảo môi trường cho sự vận hành và phát triển của nền kinh tế số. Để tăng cường bảo mật cho cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, bảo vệ dữ liệu của các cá nhân và doanh nghiệp, đồng thời thiết lập khung pháp lý cho việc thu thập, sử dụng và chia sẻ dữ liệu cá nhân, Singapore đã thông qua Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân vào năm 2018.

Về hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, Singapore xây dựng kế hoạch toàn diện hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số. Kế hoạch này bao gồm hỗ trợ chuyển đổi số trên diện rộng và hỗ trợ chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực. Trong kế hoạch chuyển đổi số diện rộng của Singapore bao gồm 23 bản đồ chuyển đổi ngành để giúp các doanh nghiệp chuyển bị cho nền kinh tế số thông qua các biện pháp về đổi mới và tăng năng suất. Trong các kế hoạch chuyển đối số này có các khoản kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực số ở từng giai đoạn và các khoản kinh phí này nằm trong ngân sách hàng năm của Chính phủ Singapore. Trong quá trình số hóa, các doanh nghiệp Singapore thường xuyên nhận được các tư vấn, hỗ trợ để điều chỉnh, thiết kế kế hoạch số hóa của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ cho các giải pháp công nghệ được phê duyệt để số hóa.

Đức: Đột phá từ các ngành thế mạnh

Để phát huy thế mạnh trong các ngành sản xuất công nghiệp nặng nên chiến lược phát triển kinh tế số của Đức tập trung vào việc  ứng dụng kỹ thuật số vào các ngành công nghiệp mới như: robot thế hệ mới, phương tiện thông minh (xe tự lái, tàu điện tự lái, tàu ngầm tự lái, máy bay tự lái…), vật liệu thông minh, năng lượng thông minh. 

Cộng hòa Liên bang Đức đã triển khai phát triển kinh tế số bằng chiến lược tổng thể, bài bản ở cả cấp độ quốc gia, ngành và doanh nghiệp. Đức đã thành lập Phòng Công nghiệp 4.0 ở Bộ Kinh tế và Năng lượng, chịu trách nhiệm tham mưu và tổ chức triển khai chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong toàn quốc. Trong tổ chức này thiết lập các tổ công tác đặc trách như: xây dựng tiêu chuẩn; Đào tạo - việc làm; An ninh mạng; Xây dựng mô hình… để quản lý, điều hành từng lĩnh vực cụ thể.

Đức phát triển hệ thống sản xuất thông minh, nhà máy thông minh bằng cách sử dụng IoT và công nghệ sản xuất tự động (1)
Đức phát triển hệ thống sản xuất thông minh, nhà máy thông minh bằng cách sử dụng IoT và công nghệ sản xuất tự động.

Một kinh nghiệm cũng đáng lưu ý của Đức đó là phát triển hệ thống sản xuất thông minh, nhà máy thông minh bằng cách sử dụng IoT và công nghệ sản xuất tự động. Trong hệ thống sản xuất thông minh của Đức, các nhà máy thông minh, các hàng hóa, dịch vụ bên trong, bên ngoài nhà máy, các khâu của quá trình sản xuất như  các chuỗi giá trị sản phẩm, thiết kế cơ sở sản xuất, sản xuất, bảo trì.. được tiêu chuẩn hóa và liên kết với nhau. Với sự liên kết này, cả khu vực sản xuất của Đức sẽ hoạt động như một nhà máy thông minh lớn.

Một đặc điểm của mô hình sản xuất thông minh của Đức là việc tùy biến hàng loạt sản phẩm, việc sản xuất sẽ theo đơn đặt hàng của từng khách hàng cụ thể và những sản phẩm sẽ có giả rẻ hơn, được chào bán giá cạnh tranh hơn so với giá các sản phẩm sản xuất hàng loạt. Để phát triển sản xuất thông minh, Đức đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các lĩnh vực: kết nối hệ thống thực-ảo (CPS), cảm biến và bộ truyền động, giao diện giữa người và máy, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, mạng viễn thông, an ninh mạng.

Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho nền kinh tế số, Chính phủ Đức tập trung  chuyển đổi mô hình đào tạo nhân lực theo hướng đề cao tính linh hoạt, tính mở, tính tự chủ của các cơ sở đào tạo dựa trên đối thoại giữa nhà trường với doanh nghiệp nhằm thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu ngành nghề trong nên kinh tế số và tập trung đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật các kỹ năng số cho người lao động thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Thái Lan: Tập trung tạo hành lang pháp lý

Để tạo khung pháp lý cho phát triển kinh tế số, Thái Lan đề xuất và xây dựng luật riêng về phát triển số trên cơ sở hợp nhất của ba luật là Luật về Ủy ban Kinh tế và Xã hội số, Luật về Quỹ phát triển kinh tế và xã hội số, Luật xúc tiến kinh tế và xã hội số, đồng thời cũng soạn thảo, sửa đổi, ban hành mới 8 dự thảo luật có liên quan: Luật giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật tội phạm máy tính (sửa đổi), Luật an ninh mạng, Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật xúc tiến kinh tế số, Luật phát triển kinh tế và xã hội số, Luật quản lý phát thanh và viễn thông (sửa đổi), Luật về Cơ quan phát triển giao dịch điện tử. Những văn bản pháp luật nêu trên là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các mục tiêu kinh tế số và là một phần của chính sách kinh tế số của Thái Lan. Trong Luật phát triển số nêu rất rõ về việc thành lập Ủy ban Kinh tế số do Thủ tướng làm chủ tịch và Cơ quan xúc tiến kinh tế và xã hội số. Mục tiêu của cơ quan này là xúc tiến, hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp số, hỗ trợ các chủ thể trong nền kinh tế ứng dụng công nghệ số để mang lại lợi ích cho nền kinh tế.

Trong việc phát triển kinh tế số, Thái Lan rất quan tâm đến việc quản lý an ninh mạng, an ninh thông tin
Trong việc phát triển kinh tế số, Thái Lan rất quan tâm đến việc quản lý an ninh mạng, an ninh thông tin.

Một kinh nghiệm đáng lưu ý của Thái Lan là nước này thành lập Quỹ Phát triển kinh tế và xã hội số (Quỹ kinh tế số) với mục đích là hỗ trợ, phát triển nền kinh tế số ở Thái Lan, trước mặt tập trung phát triển, nâng cấp hạ tầng viễn thông của Thái Lan. Quỹ hoạt động dựa trên tài trợ kinh phí từ ngân sách hàng năm của Chính phủ, từ 50% phí cấp phép của Ủy ban Phát thanh và Viễn thông quốc gia và các nguồn khác.

Trong việc phát triển kinh tế số, Thái Lan rất quan tâm đến việc quản lý an ninh mạng, an ninh thông tin, có sự kiểm soát chặt chẽ các nội dung không phù hợp trên không gian mạng.

Anh Đức