Thị trường tiêu dùng Việt Nam bắt đầu ồn ào với việc ThaiBev chi gần 5 tỷ USD để mua lại 53,6% cổ phần của Sabeco vào cuối năm 2017, bất chấp những thách thức phía trước đến từ rủi ro chính sách hay rủi ro thị trường.
Sabeco vẫn lãi ròng từ bia dù quy định nồng độ cồn khắt khe
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – mã chứng khoán SAB) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2024.
Theo đó, doanh thu thuần cả năm 2024 của công ty về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 31.872 tỷ đồng, tăng 4,6% so với năm 2023.
Cơ cấu doanh thu không thay đổi nhiều so với năm trước, mảng bán bia vẫn đóng góp chính tới 87% với 28.082 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2023. Doanh thu bán nước giải khát chỉ chiếm 1% với gần 163 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thu từ bán nguyên vật liệu của Sabeco khá lớn chiếm tỷ lệ gần 12%, đem về cho công ty hơn 3.714 tỷ đồng.
![]() |
Cơ cấu doanh thu năm 2024 của Sabeco. |
Trong năm qua, dù biên lợi nhuận gộp giảm, nhưng biên lãi ròng tăng nhờ chi phí bán hàng giảm 10%, tương ứng giảm 438 tỷ đồng.
Đặc biệt, Sabeco có nguồn thu từ mảng tài chính khá tốt. Trong đó, thu từ lãi tiền gửi ngân hàng hơn 1.044 tỷ đồng, đây là nguồn thu ổn định cho đơn vị khi dòng tiền mặt rất lớn hơn 16.500 tỷ đồng gửi ngân hàng.
Công ty hầu như có nợ vay ngân hàng rất ít, khoảng hơn 400 tỷ đồng. Do đó, chỉ tiêu nợ vay chỉ bằng 1% so với tổng tài sản, và chỉ bằng 1,8% so với vốn chủ sở hữu. Các chỉ tiêu này rất thấp cho thấy an toàn tài chính của đơn vị được kiểm soát tốt.
Vay nợ thấp, chi phí tài chính thấp, tận dụng chênh lệch tỷ giá tốt khiến chi phí tài chính vỏn vẹn 27 tỷ đồng, so với tổng doanh thu tài chính hơn 1.067 tỷ đồng.
Theo đó, nguồn thu tài chính đóng góp không nhỏ vào phần lợi nhuận ròng cả năm 4.494 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ.
![]() |
Các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của Sabeco năm 2024 so với 2023. |
Sabeco có danh mục đầu tư tài chính khá nhộn nhịp với tổng đầu tư hơn 400 tỷ đồng đầu tư vào các đơn vị khác, đã dự phòng 307 tỷ đồng, trong đó, dự phòng toàn bộ khoản đầu tư vào ngân hàng Đông Á hơn 136 tỷ đồng.
Ngoài ra, đơn vị lỗ hơn 4,8 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên kết là CTCP Kinh doanh lương thực thực phẩm Trường Sa.
Do quản trị tốt, khi Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, tăng nặng mức phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn, cùng với đại dịch Covid-19, đã khiến doanh thu Sabeco giảm mạnh trong năm 2020 và 2021, lần lượt đạt 27.961 tỷ đồng và 26.374 tỷ đồng. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn duy trì lợi nhuận ròng trong khoảng 3.900 - 5.500 tỷ đồng trong nhiều năm qua.
![]() |
Tăng trưởng lợi nhuận có tăng có giảm nhưng con số lãi ròng vẫn dương đều qua các năm. |
Năm 2025, Nghị định 168 thay thế Nghị định 100, tiếp tục siết chặt quy định về vi phạm nồng độ cồn. Mức phạt đối với người điều khiển xe máy có thể lên tới 10 triệu đồng, trong khi ô tô lên đến 40 triệu đồng, kèm theo trừ điểm giấy phép lái xe hoặc tước quyền sử dụng đến 2 năm.
Tuy nhiên, Sabeco vẫn được kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2025 với doanh thu dự kiến đạt 33.807 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.795 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,1% và 6,7% so với thực hiện năm 2024, theo báo cáo phân tích của Chứng khoán Shinhan.
Lý do kỳ vọng lợi nhuận tăng là Sabeco trước đó chia sẻ công ty đã xây dựng được công thức sản xuất dòng bia không cồn. Đây là một xu hướng trong bối cảnh việc xử phạt nồng độ cồn ngày càng quyết liệt, dù vậy quy mô thị trường cho dòng bia này vẫn còn khá nhỏ.
Bên cạnh đó, chiến lược mở rộng thị phần khi vào tháng 12/2024, Sabeco đã hoàn thành mua 37,8 triệu cổ phiếu SSB của Bia Sài Gòn Bình Tây, trở thành công ty mẹ với tỷ lệ sở hữu 65,9% cổ phần. Đây là doanh nghiệp được biết đến với dòng bia Sagota và sở hữu 5 nhà máy với tổng công suất hơn 600 triệu lít/năm.
Việc thâu tóm này dự kiến sẽ giúp SAB tăng khả năng mở rộng dây chuyền sản xuất.
Dù vậy, rủi ro của ngành bia vẫn tiếp diễn với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia lên 85%-95% có lộ trình đến năm 2029 của Bộ Tài chính, cùng với rủi ro tiêu thụ nội địa phục hồi yếu hơn kỳ vọng.
Người Thái xâm nhập vào thị trường Việt từ năm những năm 1990 với sự hiện diện là C.P Việt Nam trong ngành thực phẩm và nông nghiệp.
Từ đó, C.P Việt Nam thống lĩnh ngành thức ăn chăn nuôi và mở rộng sang các linh vực khác trong nông nghiệp. Theo báo cáo của CP Foods (CPF), công ty mẹ của C.P Việt Nam, doanh thu từ hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 ở Việt Nam đạt khoảng 92,2 tỉ baht (tương đương 68.000 tỉ đồng), tăng 5% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, C.P Việt Nam còn là cổ đông lớn của Thủy sản Sao Ta, một trong năm doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam.
Với sự “mở đường” của CP Foods, đến nay, các doanh nghiệp Thái ồ ạt có mặt trong nhiều lĩnh vực: sản xuất đồ uống và rượu; bán lẻ, trung tâm thương mại, điện tử; nông nghiệp, thủy sản, chế biến thực phẩm và bất động sản khu công nghiệp, xi măng, vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì.
Nhiều thương hiệu hàng Thái không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt: ThaiBev, SCG, (Siam Cement Group), Central Group, Amata Corporation, Betagro Group, Gulf Energy, B.Grimm, Super Energy, Berli Jucker (BJC)…
Người Thái đang trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 09 tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư trực tiếp hơn 14 tỷ USD, tính đến cuối năm 2024, theo ông Praween Wirotpan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham).
Đầu tư tại thị trường Việt, các doanh nghiệp Thái đã thu được những khoản doanh thu ngày càng tăng trưởng trong từng lĩnh vực.
Nếu như Sabeco liên tục mang lại lợi nhuận ròng cho công ty mẹ là ThaiBev, đơn vị này cũng ra sức thâu tóm thị trường khi muốn tăng tỷ lệ sở hữu tại Sabibeco, nhằm biến đơn vị này thành công ty con, với mục tiêu tăng quy mô sản xuất, nâng tổng công suất thiết kế lên hơn 3 tỷ lít/năm, vượt qua Heineken, trở thành nhà sản xuất bia lớn nhất tại Việt Nam.
![]() |
Công suất bia của một số thương hiệu tại Việt Nam - Nguồn: FPTS Reseach. |
Hiện Sabeco có giá trị danh mục đầu tư vào các công ty liên kết và cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát đạt 1.767 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong 07 năm nắm giữ Sabeco, nguồn cổ tức bằng tiền mặt mà đơn vị này thu được về khoảng 12.000 tỷ đồng, tương đương hơn 10% tổng vốn đầu tư.
Cùng với đó, SCG đầu tư vào Việt Nam cũng mang về hơn 35.140 tỷ đồng (tương đương 1,4 tỷ USD) từ doanh thu bán hàng trong năm 2024. SCG cũng đang làm mưa làm gió với hàng loạt thương vụ mua cổ phần doanh nghiệp Việt, như: Xi măng Sông Gianh, CTCP Vật liệu Việt Nam (VCM), Nhựa Bình Minh...
Hay như Central Retail, một "ông lớn" bán lẻ (thuộc sở hữu của gia tộc Chirathivat) và là đơn vị sở hữu vận hành các đại siêu thị GO!, Tops Market, điện máy Nguyễn Kim… ghi nhận doanh thu hơn 27.620 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024 tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, Amata của Thái Lan đã đầu tư vào thị trường Việt Nam khoảng 860 triệu USD, với 03 khu công nghiệp và 02 dự án phát triển đô thị. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Amata Việt Nam thu về khoảng 2.390 tỷ đồng, tăng hơn 42% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng tài sản tăng gần 5%, lên khoảng 9.680 tỷ đồng.
Người Thái có được những thuận lợi trong kinh doanh hơn tại trường Việt Nam có lẽ cũng nhờ từ việc hỗ trợ kỹ thuật cho thị trường chứng khoán Việt Nam những ngày đầu non trẻ.
Cùng với văn hóa khá tương đồng và sự chăm chỉ tìm hiểu cũng như nhẫn nại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người Việt, đến nay, hàng hóa và thương hiệu của người Thái đã là sự quen thuộc tất nhiên đối với người tiêu dùng Việt, và dường như là sự không đề phòng và có thể đánh mất “sân nhà” của doanh nghiệp Việt.