Để tiếp cận được với đông đảo người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm OCOP trên thị trường chưa phải là yếu tố quyết định chính, đi kèm cùng với đó là nhiều yếu tố kết hợp để thúc đẩy quá trình thương mại nhanh chóng tiếp cận người tiêu dùng.
Sản phẩm OCOP chất lượng tốt vẫn 'vắng bóng' trên thị trường tiêu dùng. |
Sản phẩm OCOP đã và đang dần đi sâu và đời sống tiêu dùng, là biểu tượng của nền văn hoá của mỗi vùng miền, dù đã có “dấu ấn” nhất định tuy nhiên việc tiêu thụ, tìm kiếm tại thị trường bán hàng truyền thống hoặc trên các nền tảng bán hàng trực tuyến còn đang gặp nhiều hạn chế, vướng mắc.
Trong 6 năm vừa qua, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã đi được 1 chặng đường dài. Hiện tại ước tính, Chương trình OCOP đã xây dựng được 13.500 sản phẩm tại 63 tỉnh thành phố.
Chỉ riêng tại Hà Nội, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP đến nay, 29/30 quận, huyện, thị xã đã đánh giá, phân hạng được trên 2.769 sản phẩm OCOP. Trong đó có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 1.485 sản phẩm đạt 4 sao và 1.266 sản phẩm đạt 3 sao.
Không thể phủ nhận, cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” đã sang một giai đoạn mới trong bối cảnh hội nhập, quá trình phát triển cùng với chất lượng của sản phẩm Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin xuất hiện ở các kệ siêu thị trên thế giới thế nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong chính “sân nhà”.
Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là bởi số lượng sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất chưa đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn cao dẫn tới sức cạnh tranh gặp nhiều hạn chế. Quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn về vốn và công nghệ chế biến, bảo quản…
Để sản phẩm OCOP phát triển và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, cần hơn nữa sự chung tay kết nối, đầu tư, kết hợp các nguồn lực hỗ trợ từ trung ương đến địa phương. |
Bên cạnh đó, khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được đầu tư, chú trọng nhiều. Không ít doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất - kinh doanh chia sẻ, việc tiếp cận và đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn cũng như chuyển từ bán hàng truyền thống sang thương mại hoá trên các nền tảng trực tiếp gặp nhiều vướng mắc nhất định với bà con. Do đó, việc thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị là hết sức quan trọng.
Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cũng là vấn đề thiết yếu trong quy trình bán hàng. Trong bối cảnh thị trường nông sản ngày càng phát triển, việc bảo vệ thương hiệu và uy tín sản phẩm là rất cần thiết. Theo đó bao bì sản phẩm chưa được đầu tư, còn giống nhau về kiểu dáng, chất liệu, bao bì đơn giản, trùng lặp, ghi nhãn chưa đúng quy định, thiếu thông điệp sản phẩm... Những hạn chế trên xuất phát từ năng lực hoạt động, khả năng tiếp cận kỹ thuật, tài chính… của các chủ thể sản xuất – kinh doanh.
Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao và sử dụng ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP phát triển và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước cũng như phát triển ra quốc tế, xuất khẩu sang nước ngoài cần hơn nữa sự chung tay kết nối, đầu tư, kết hợp các nguồn lực hỗ trợ từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt, một trong những khó khăn lớn của các làng nghề truyền thống là việc thu hút thế hệ trẻ tham gia vào sản xuất, thương mại hoá và làm cầu nối để sản phẩm tiếp cận được rộng rãi và phổ biến hơn nữa.