Hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đến năm 2030, sáng ngày 17/7, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo chuyên đề "Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng TTCK".
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, chuyên gia kinh tế - tài chính, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế, cơ sở đào tạo, cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo ông Phạm Đức Sơn – Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 được Thủ trướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 đã chỉ rõ: Phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư là mục tiêu trọng tâm, trong đó nâng cao chất lượng nhà đầu tư cá nhân gắn với đào tạo, phổ cấp kiến thức và thông tin tuyên truyền là một trụ cột quan trọng.
![]() |
Hội thảo chuyên đề "Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng TTCK". Ảnh: Hà Anh. |
Phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư là mục tiêu trọng tâm, trong đó nâng cao chất lượng nhà đầu tư cá nhân gắn với đào tạo, phổ cấp kiến thức và thông tin tuyên truyền là một trụ cột quan trọng.
“Để thực hiện nhiệm vụ đó, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước cùng các thành viên thị trường, thì vai trò của báo chí - truyền thông cần được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hội thảo hôm nay là một trong những hoạt động thiết thực mà Tạp chí Nhà đầu tư triển khai nhằm góp phần nâng cao nhận thức nhà đầu tư, hướng tới nâng hạng TTCK một cách hiệu quả và bền vững”, ông Sơn nói.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương nhấn mạnh, Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã đặt ra mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn của FTSE Russell (tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ tạo ra chỉ số cho thị trường tài chính toàn cầu). Đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong năm 2025.
“Quyết tâm đó đã được thể hiện rõ qua việc UBCKNN công bố lộ trình triển khai chi tiết, đồng thời thực hiện nghiêm túc các giải pháp đã cam kết. Trong 6 tháng đầu năm nay, chúng ta đã ghi nhận nhiều bước tiến đáng kể. Hệ thống công nghệ thông tin mới, Hệ thống giao tiếp điện tử giữa các công ty chứng khoán và Ngân hàng lưu ký đã được hoàn thành, triển khai thành công, giúp nâng cao hạ tầng, đảm bảo giao dịch an toàn, thông suốt, thuận tiện hơn”, bà Phương cho biết.
Nhiều giải pháp quan trọng đã được đưa vào thực tiễn như cho phép nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức được đặt lệnh mua mà không yêu cầu đủ tiền trước; yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh; rút ngắn thời gian mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài.
Song song với đó, Ủy ban đã thành lập nhóm đối thoại chính sách, thường xuyên trao đổi trực tiếp với các tổ chức xếp hạng, các quỹ đầu tư lớn, để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trên TTCK.
![]() |
Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hà Anh. |
Những giải pháp đã triển khai này được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các tổ chức xếp hạng và các nhà đầu tư nước ngoài, ghi nhận và đánh giá cao. Đó là minh chứng rõ ràng cho cam kết hội nhập và phát triển bền vững của TTCK Việt Nam.
Tiến trình nâng hạng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, các bộ, ngành, doanh nghiệp, các công ty chứng khoán và chính nhà đầu tư. UBCKNN đánh giá rất cao sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành thời gian qua, đã cùng tháo gỡ từng “nút thắt” để tiến gần hơn tới mục tiêu nâng hạng.
Các công ty chứng khoán cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo minh bạch, chuyên nghiệp, chủ động nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng của nhà đầu tư quốc tế. Về phía các doanh nghiệp niêm yết cần chú trọng hơn nữa đến chất lượng quản trị, công bố thông tin đầy đủ, song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, kịp thời, nâng cao hiệu quả hoạt động và minh bạch tài chính.
“Các nhà đầu tư trong nước cũng cần trang bị kiến thức, đầu tư bài bản, hạn chế đầu cơ ngắn hạn để góp phần giữ ổn định thị trường. Đây không chỉ là nhiệm vụ trước mắt nhằm đạt mục tiêu nâng hạng, mà còn là định hướng dài hạn để xây dựng một TTCK bền vững, phát triển và hội nhập”, bà Phương nói.
Cũng theo Chủ tịch UBCKNN, hiện nay, tổng tài sản quản lý của ngành quỹ Việt Nam mới đạt khoảng 29 tỷ USD, tương đương 6 % GDP. UBCKNN định hướng thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa ngành quỹ đầu tư, hoàn thiện quy định pháp lý tạo điều kiện phát triển các loại hình quỹ mới, đa dạng hoá các loại hình quỹ.
Đồng thời, nâng cao năng lực của các công ty quản lý quỹ, mở rộng hệ thống phân phối chứng chỉ quỹ trên nền tảng số, fintech; đồng thời tiếp tục đề xuất chính sách ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư vào chứng chỉ quỹ, góp phần giảm rủi ro đầu tư cảm tính và tạo dòng vốn dài hạn, bền vững cho thị trường.
Việc phát triển ngành quản lý quỹ sẽ giúp tái cấu trúc dòng vốn, nâng cao chất lượng thị trường, dần đáp ứng các tiêu chí nâng hạng và duy trì vị thế mới.
Trong thời gian qua, TTCK Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, thanh khoản và chất lượng hàng hoá, dần trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền KT. Tuy nhiên, nếu TTCK có thể thu hút được lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, nhất là vốn đầu tư của nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư lớn sẽ tạo ra tác động tích cực ở nhiều khía cạnh cho TTCK.