Trong 25 năm qua, vị thế của Kpop đã tăng lên đáng kể và lan rộng ra toàn cầu. Chính vì thế, tầm ảnh hưởng của các nhóm nhạc thần tượng nữ cũng thay đổi theo năm tháng.
Theo Naver, những thay đổi bắt đầu với sự xuất hiện của các nhóm nhạc nữ thế hệ thứ ba. Theo các số liệu được JYP công bố, nhóm TWICE trở thành nhóm nhạc nữ Kpop đầu tiên bán được tổng cộng hơn 10 triệu bản album vào năm 2020. Trong khi đó, BlackPink nhà YG trở thành nhóm nhạc nữ có nhiều lượt đăng ký YouTube nhất (82,7 triệu tính đến ngày 1/11) trong số tất cả nghệ sĩ trên thế giới.
Sự tăng trưởng của thị trường nhóm nhạc nữ đã trở thành cơ hội để đánh giá lại lợi nhuận và chi phí của việc tạo ra một nhóm nhạc nữ Kpop.
Không quá ngạc nhiên khi ngày càng nhiều công ty quản lý lao vào cuộc chiến ra mắt các nhóm nhạc nữ mới. Theo các chuyên gia trong ngành, ngân sách dành cho các hoạt động debut ban đầu của nhóm tân binh nữ đã tăng gấp 2 đến 3 lần so với mức 1 tỷ Won (khoảng 18,5 tỷ đồng) vào năm 2015. Trong một chương trình vào tháng Mười năm ngoái, Rado nhà sản xuất của STAYC cho biết chi phí sản xuất cho nhóm “ít nhất là 2 tỷ Won (khoảng 37,1 tỷ đồng) nếu bạn nỗ lực hết mình”.
Fantagio – công ty quản lý của ASTRO và Weki Meki cũng thông báo vào năm ngoái, họ phải đầu tư khoảng 3,18 tỷ Won (khoảng 59 tỷ đồng) để phát triển một nhóm nhạc nữ mới. Trong đó, chi phí đào tạo và quản lý là 323 triệu Won, sản xuất album rơi vào khoảng 131 triệu Won, chi phí phòng tập là 95 triệu Won và ký túc xá là 82 triệu Won… Quy mô phát triển cũng mở rộng trên toàn cầu với sự xuất hiện của thành viên ngoại quốc, kéo theo đó là nhiều chi phí cho các buổi thử giọng xuyên quốc gia. Sự đa dạng hóa concept nhằm gây ấn tượng với công chúng cũng như sự đầu tư về trang phục có thể lên đến hàng triệu Won cho một buổi diễn tại sân khấu âm nhạc hàng tuần.
Với công ty giải trí lớn như SM Entertainment, số tiền chi phí ban đầu để đầu tư cho nhóm nhạc nữ còn cao hơn nữa. Theo ước tính, phía SM đã đầu tư 3,9 triệu USD cho việc ra mắt "tân binh khủng long" aespa. Một trong những khoản tiền tốn kém nhất là nhằm xây dựng và sản xuất hình ảnh đại diện kĩ thuật số (hình ảnh "ảo") cho cả 4 thành viên. Kèm theo đó, SM cũng tạo ra những video âm nhạc vô cùng chất lượng, thậm chí là có yếu tố điện ảnh.
Theo JoongAng News, trong ba năm đầu tiên thành lập một nhóm nhạc nữ, chi phí đào tạo và duy trì cho các nhóm nhạc nữ rơi vào khoảng 300 triệu won (khoảng 235.708 USD), chi phí sản xuất album khoảng 2,5 tỷ won (2 triệu USD), chi phí thuê nhân viên là 131 triệu won (102.911 USD), chi phí phòng tập là 95 triệu won (74.631 USD) và chi phí ký túc xá là 82 triệu won (64.418 USD). Tổng chi phí là 3,1 tỷ KRW (tương đương khoảng 2,435 triệu USD).
Có thể nói, vị thế của nhóm nữ càng tăng cao đồng nghĩa với việc các công ty giải trí phải ra sức chi mạnh tay để góp phần tăng tỷ lệ thành công của “gà nhà”. Điều đó đồng nghĩa với việc đây không còn là một cuộc chơi dễ dàng với các công ty nhỏ không có tiềm lực về tài chính.
TH