Quy chế làm việc của Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ. Trong đó nêu rõ 6 nguyên tắc làm việc của Chính phủ.
Theo quy chế, Chính phủ thống nhất quản lý hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, cơ sở; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.
Cách thức giải quyết công việc của Chính phủ là thảo luận và quyết nghị tại phiên họp Chính phủ. Quyết nghị bằng phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ trong trường hợp Chính phủ không họp.
Chính phủ thực hiện phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Chính phủ thực hiện phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương quyết định hoặc thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực trên địa bàn quản lý phù hợp với điều kiện, năng lực của chính quyền địa phương đi đôi với việc phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
Chính phủ ban hành Chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể.
Nghị quyết đề ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021. Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng thu nhập vùng (GRDP) khoảng 20%; công nghiệp - xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; thuế và trợ cấp khoảng 2%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42 - 48%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao…
Trong đó, nhiệm vụ đề ra phải quán triệt, tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị; Tập trung, thực hiện tốt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; Hoàn thiện thể thế phát triển, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng điều phối vùng giai đoạn 2020 - 2025, chủ động tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ, dự án có quy mô vùng, có tính chất liên kết vùng và phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đổi mới tư duy, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 18/6/2022 về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.
Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận phát triển theo hướng "tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công - tư, đời sống chất lượng", triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bổ sung cơ chế đặc thù quản lý đầu tư cụm công nghiệp tại TP Đà Nẵng
Ngày 20/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 40/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng. Nghị định 40/2022/NĐ-CP bổ sung quy định: Hội đồng nhân dân thành phố được xem xét, quyết định đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từ nguồn ngân sách thành phố trong trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định hiện hành. Tổ chức sự nghiệp công lập được giao làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp thì được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án, được cho thuê lại đất sau khi đã đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.
Giao Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng quy định cơ chế tài chính, thẩm quyền xác định và quyết định giá cho thuê, đối tượng cho thuê đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Gỡ vướng trong thực hiện giảm thuế GTGT xuống 8%
Ngày 20/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Để tháo gỡ các vướng mắc trong việc lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, đảm bảo phù hợp với các nội dung trên hóa đơn, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2022/NĐ-CP sửa đổi như sau: Trường hợp cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn giá trị gia tăng phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định.
Trường hợp cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu thì khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì trên hóa đơn bán hàng phải ghi rõ số tiền được giảm theo quy định.
Cổng TTĐT Chính phủ làm đầu mối kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Nghị định số 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Theo đó, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ làm đầu mối kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng; hướng dẫn nghiệp vụ, tích hợp thông tin với cổng thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
5 nhóm chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân trong thực hiện TTHC, dịch vụ công
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định 766/QĐ-TTg phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.
Theo đó, các nhóm chỉ số thành phần gồm: 1- Công khai, minh bạch; 2- Tiến độ, kết quả giải quyết; 3- Số hóa hồ sơ; 4- Cung cấp dịch vụ trực tuyến; 5- Mức độ hài lòng.
Phát triển Phú Quốc thành đô thị biển đảo đặc sắc
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định 767/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040.
Theo đó, phạm vi lập Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040 bao gồm toàn bộ diện tích đất tự nhiên 589,27 km2 gồm có: 2 phường Dương Đông, An Thới và 7 xã: Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Cửa Dương, Dương Tơ và Thổ Châu.
Mục tiêu quy hoạch là phát triển thành phố Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc; một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ có bản sắc, chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khoẻ, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao ở tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị - văn hóa; một không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo; quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá khi hàng hóa có biến động bất thường
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 179/TB-VPCP ngày 22/6/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp ngày 13/6/2022 về điều hành giá một số nhóm mặt hàng.
Tại văn bản này, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có các biện pháp bình ổn giá phù hợp; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường.
Tháo gỡ vướng mắc, bất cập về đấu thầu thuốc, thiết bị, sinh phẩm y tế
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 180/TB-VPCP ngày 23/6/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh.
Tại Thông báo, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.
PV(t/h)