Châu Âu đang cố gắng thúc đẩy một lệnh cấm chung đối với Huawei

23:25 07/06/2023

Thay vì chỉ khuyến nghị, EU có thể sẽ đưa ra một lệnh cấm bắt buộc đối với các công ty được đánh giá là có rủi ro bảo mật, như Huawei, nếu các quốc gia thành viên đồng ý.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về lệnh cấm các quốc gia thành viên sử dụng những công ty trong danh sách đen, có thể gây ra rủi ro bảo mật đối với mạng lưới 5G của khối, trong đó có Huawei Technologies.

Theo FT đưa tin ngày 7/6, các quan chức châu Âu nói rằng, động thái được đưa ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng tại Brussels, khi một số quốc gia thành viên nhất định đang trì hoãn đưa ra quyết định về vấn đề này.

Trong cuộc họp vào tuần trước, uỷ viên thị trường nội khối EU Thierry Breton thông báo tới các bộ trưởng viễn thông, đến nay mới chỉ có một phần ba các nước EU thực hiện lệnh cấm Huawei tham gia xây dựng các cơ sở hạ tầng trọng yếu.

“Như vậy là quá ít và điều đó ảnh hưởng đến an ninh tập thể của cả khối”, Breton nói.

Khuyến nghị loại nhà cung cấp viễn thông rủi ro đã được trình lên EU năm 2020 và được các quốc gia thành viên nhất trí khi đó. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, thay vì chỉ khuyến nghị, EU có thể sẽ đưa ra một lệnh cấm bắt buộc đối với các công ty được đánh giá là có rủi ro bảo mật, như Huawei, nếu các quốc gia thành viên đồng ý.

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan chịu trách nhiệm đề nghị và thi hành các quyết định của EU, từ chối bình luận. Cơ quan này dự kiến họp vào tuần tới và một trong các nội dung là báo cáo tiến độ thực hiện khuyến nghị trên toàn khối.

Breton cũng cảnh báo các nước thành viên "cần hành động khẩn cấp để tránh tạo ra những lỗ hổng lớn khó đảo ngược". Ông nói giống như năng lượng, lĩnh vực 5G cũng cần được chú trọng. "Không thể phụ thuộc vào những thứ có tiềm năng trở thành vũ khí chống lại chính chúng ta trong tương lai", ông cho hay.

Theo giới quan sát, lệnh cấm khó được thông qua trước nhiệm kỳ 5 năm hiện tại của EC, dự kiến kết thúc vào 2024, do cần thời gian để nhận được sự ủng hộ của các quốc gia thành viên.

Huawei cho biết, họ phản đối việc chính trị hoá quy trình đánh giá an ninh mạng. “Việc đánh giá không tuân theo tiêu chuẩn công nghệ hoặc loại trừ những nhà cung cấp cụ thể khỏi hệ thống mà không xem xét công nghệ phù hợp là vi phạm nguyên tắc công bằng, không phân biệt đối xử, đồng thời đi ngược lại luật pháp và quy định của EU”.

Đầu năm nay, Đức - quốc gia bị cho là đang chần chừ về việc đưa ra lệnh cấm Huawei, đã bày tỏ lo ngại về mối quan hệ giữa Deutsche Telekom và công ty đại lục này. Các quan chức Berlin cho biết, họ đang đánh giá lại các yếu tố Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng 5G tại nước này và xem xét sửa luật nếu cần thiết.

Đến nay, bên cạnh Bồ Đào Nha chuẩn bị thông qua lệnh cấm, các quốc gia EU khác đã “nói không” với Huawei bao gồm Đan Mạch, Thuỵ Điển, Estonia, Latvia và Litva cùng vương quốc Anh.

Mới đây, theo Asia Times, tính toán của các nhà khai thác mạng viễn thông, chuyên gia tư vấn trong ngành, nhà kinh tế và chính phủ chỉ ra rằng việc thay thế thiết bị Huawei đã được lắp đặt có thể khiến Mỹ và các đồng minh của họ phải trả hơn 100 tỉ USD; rằng tác động kinh tế tiêu cực của việc triển khai dịch vụ 5G chậm hơn có thể lớn hơn gấp hai hoặc ba lần; và các đối thủ cạnh tranh của Huawei có thể nâng tổng chi phí triển khai 5G lên mức cao hơn nhiều lần.

Giá thiết bị viễn thông của Huawei được cho là thường thấp hơn 20-30% so với các đối thủ cạnh tranh. Chúng không phải lúc nào cũng thấp hơn, nhưng chúng đủ thấp để giúp Huawei chiếm thị phần cao ở châu Âu, quê hương của các đối thủ cạnh tranh Nokia và Ericsson.

Tất nhiên, giá cả không phải là yếu tố duy nhất liên quan đến các nhà mạng viễn thông: Thành công của Huawei cũng dựa trên chất lượng tốt và đôi khi chúng còn vượt trội.

Phương Linh (t/h)