Châu Âu cảnh báo thiếu khí đốt, các nhà máy sẽ sử dụng than

18:41 23/06/2022

Các nước châu Âu đã khởi động các kế hoạch khẩn cấp, hướng đến tái phân bổ khí đốt tự nhiên cũng như trở lại sử dụng nhiệt điện than, trong bối cảnh Nga đang siết nguồn cung khí đốt.

Reuters dẫn lời ông Timmermans cho biết, 10/27 quốc gia thành viên EU đã đưa ra "cảnh báo sớm" về nguồn cung cấp khí đốt. Đây là cảnh báo ở "cấp độ đầu tiên và ít nghiêm trọng nhất" trong 3 cấp độ khủng hoảng được xác định trong chính sách an ninh của EU về quy định cung cấp năng lượng.

Giám đốc chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Frans Timmermans ngày 23-6 cho biết, 12 quốc gia EU bị ảnh hưởng bởi việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt. Các quốc gia thành viên EU được yêu cầu lên kế hoạch giải quyết sự gián đoạn nguồn cung khí đốt (nếu xảy ra) ở cả 3 cấp độ.

Các nước châu Âu đã khởi động các kế hoạch khẩn cấp, hướng đến tái phân bổ khí đốt tự nhiên cũng như trở lại sử dụng nhiệt điện than, trong bối cảnh Nga đang siết nguồn cung khí đốt
Các nước châu Âu đã khởi động các kế hoạch khẩn cấp, hướng đến tái phân bổ khí đốt tự nhiên cũng như trở lại sử dụng nhiệt điện than, trong bối cảnh Nga đang siết nguồn cung khí đốt.

Tuần trước, Công ty khí đốt nhà nước của Nga, Gazprom, đã cắt giảm 60% lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 tới Đức. Gã khổng lồ năng lượng của Ý, ENI, cũng nhận được thông báo rằng Gazprom sẽ cắt giảm nguồn cung khí đốt 15%.

Gazprom cũng cắt đứt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, các công ty năng lượng ở Đan Mạch, Đức và Hà Lan vì họ không đồng ý thanh toán bằng đồng rúp. Đức, Áo và các quốc gia EU khác đang chuyển hướng sang các nhà máy điện chạy than và dầu nhằm dành khí đốt cho mùa Đông.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thông báo nước này sẽ khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than để tránh thiếu hụt nguồn cung năng lượng. "Điều này thật cay đắng nhưng trong tình huống này, điều cần thiết là phải giảm việc sử dụng khí đốt", ông Habeck cho biết.

Dù vậy, Bộ trưởng Kinh tế Đức Stephan Gabriel Haufe khẳng định, nước này vẫn giữ mục tiêu xóa sổ năng lượng than vào năm 2030. Tương tự Đức, Hà Lan cũng có kế hoạch loại bỏ 4 nhà máy nhiệt điện than còn lại vào năm 2030.

Không chỉ quay lại với nhiệt điện than, Đức cũng triển khai các biện pháp khác như khuyến khích ngành công nghiệp giảm tiêu thụ khí đốt, hỗ trợ tài chính để đẩy nhanh bơm đầy kho dự trữ khí đốt.

PV