Hơn 2/3 chặng đường của năm đã qua đi, và như thông lệ, đây là thời điểm “kịch bản” kinh tế của năm được khắc họa khá rõ nét.
Kịch bản tăng trưởng mức 2% năm 2020 đi kèm nhiều nỗ lực quyết liệt hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Quốc Tuấn
Gam màu sáng tối của bức tranh tăng trưởng
Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP cả nước chỉ đạt 1,81%. Tương tự các nước, kinh tế Việt Nam không thể thoát khỏi vòng xoáy tác động của đại dịch COVID-19, nhất là sau cú bồi của làn sóng đại dịch lần hai vào tháng 7/2020. Làn sóng thứ hai này đã gây ảnh hưởng tới tất cả các khu vực kinh tế, tác động cộng hưởng của hai lần dịch bùng phát khiến nhiều ngành chưa xác định được thời gian hồi phục.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nêu rõ, con số tăng trưởng 1,81% 6 tháng đầu năm không chỉ là thấp nhất trong 10 năm, mà còn là thấp nhất trong cả quá trình đổi mới cải cách hơn 30 năm ở Việt Nam.
Tuy nhiên, điểm tích cực đó là Việt Nam là một quốc gia hiếm có tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Lý giải về điều này, ông Thành đưa ra 3 lý do. Thứ nhất đó là Việt Nam là khu vực nông nghiệp, đây cũng là bệ đỡ khá là tốt, nhất là cho lực lượng lao động phi chính thức và nhóm người dễ bị tổn thương.
Thứ hai là ngành du lịch Việt Nam vẫn đang chiếm một phần nhỏ trong nền kinh tế đất nước.
Thứ ba là các tầng lớp trung lưu mới nổi ở Việt Nam phần lớn đều tiết kiệm nhiều hơn tầng lớp trung lưu ở các nước phát triển. Đây là một bệ đỡ rất quan trọng trong hạn chế tác động do đại dịch COVID-19 này.
Khi nhìn tiếp bức tranh kinh tế trong 3 tháng, kể từ khi nới lỏng giãn cách xã hội hồi tháng 4 cho đến nay, ông Thành nhấn mạnh đây là một bức tranh rất lẫn lộn, có sáng nhưng mảng tối còn khá nhiều.
Cụ thể như chỉ số PMI về sản xuất công nghiệp, cơ bản liên quan đến đơn đặt hàng trong tháng 6 ở trên mức 50 điểm, nhưng đến tháng 7, tháng 8, con số này lại dưới 50.
Ngành bán lẻ trong tháng 6, tháng 7 thì tăng, nhưng đến tháng 8 lại giảm. Xuất khẩu có dấu hiệu tích cực nhưng nhìn chung ở mức thấp so với hàng chục năm trở lại đây của Việt Nam. Tuy nhiên, do nhập khẩu giảm mạnh nên xuất siêu đã đạt mức kỷ lục, gần 11 tỷ.
Vận chuyển hàng hóa cũng tương tự như vậy, tháng 5,6,7 tốt và thậm chí là hàng không nội địa vượt mức vận chuyển nội địa của năm 2019. Tuy vậy, đến tháng 8 đã giảm rất mạnh, bắt đầu với con số âm.
Do đó, vị chuyên gia nhận định, bức tranh kinh tế Việt Nam hiện đang rất hỗn loạn, như bầu trời có tia sáng nhưng mây đen còn rất nhiều.
Trên thực tế, tại kịch bản mới nhất về tình hình tăng trưởng được Bộ KH&ĐT công bố, cơ quan này dự báo tăng trưởng GDP quý III sẽ khoảng 1,04-1,69%, còn tăng trưởng GDP 9 tháng là 1,51-1,76%. Trong khi đó, sang quý IV, ở phương án thấp, tăng trưởng kinh tế là 2,06%, còn phương án cao là 2,86%. Cả năm, với phương án thấp, con số là 1,69%, còn với phương án cao, là 2,12%.
Kịch bản được xây dựng như vậy, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong điều kiện cho phép, thì phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5%. Song để đạt con số này, cần tiếp tục triển khai thực hiện kết hợp với xây dựng thêm những giải pháp mạnh, quyết liệt hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội người dân và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Mức dự báo hơn 2% cũng là con số mà Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra khi đề cập tới triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2020. Cụ thể, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021 tuy nhiên là với điều kiện diễn biến trong nước và thế giới thuận lợi. Ở kịch bản xấu hơn, WB cho rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng mức 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.
Chuyên gia cho rằng nếu không giải quyết được vướng mắc của các gói hỗ trợ trước thì việc bổ sung các gói hỗ trợ tiếp theo cũng không phát huy được hiệu quả thực tế cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Gỡ nút thắt trong triển khai gói hỗ trợ
Mặc dù đều nhận định gói hỗ trợ lần một là kịp thời, tuy nhiên các chuyên gia đều cho rằng tốc độ thực hiện các chương trình, gói hỗ trợ đều chậm. Việc tiếp cận các gói hỗ trợ của doanh nghiệp rất khó khăn.
Theo TS Võ Trí Thành, điều kiện để tiếp cận và được thụ hưởng các chương trình hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 quá khó khăn, máy móc. Doanh nghiệp khi liên hệ các đơn vị để tìm kiếm sự hỗ trợ đều được yêu cầu cung cấp rất nhiều thủ tục và sau khi được hướng dẫn thủ tục thì hầu hết đều không thể đáp ứng.
Điển hình như doanh nghiệp muốn được hỗ trợ vay ngân hàng thì phải đáp ứng tiêu chí đã cắt giảm 50% số lao động so với thời điểm trước dịch COVID-19. Trong khi đó, trong suốt thời gian dịch, các doanh nghiệp đều nỗ lực để giữ chân người lao động nhiều nhất có thể nhằm tiếp tục sản xuất sau khi dịch bệnh được khống chế.
"Chính phủ ban hành chính sách rất kịp thời và quyết liệt trong chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp nhưng sự quyết liệt đó không được duy trì xuống các cấp, các ngành và địa phương. Việc triển khai thiếu đồng bộ giữa trung ương và địa phương xuất phát từ tâm lý cứng nhắc, "sợ trách nhiệm" của một bộ phận cán bộ, công chức trong việc phê duyệt hỗ trợ. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cần giải quyết được "nút thắt" trong khâu thực thi tại cơ sở", Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, trước khi Chính phủ và các địa phương bổ sung các gói hỗ trợ doanh nghiệp tiếp theo cần phải có sự tổng kết, đánh giá khách quan, khoa học về việc hạn chế của các gói hỗ trợ đã triển khai.
"Phải phân tích được nguyên nhân vì sao các gói hỗ trợ vừa qua khó giải ngân để khắc phục, nếu xuất phát từ điều kiện hưởng hỗ trợ quá khó khăn thì có thể nới lỏng cho phù hợp. Còn nếu do ngân hàng, cán bộ phê duyệt hồ sơ nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp thì cần chấn chỉnh ngay. Nếu không giải quyết được vướng mắc của các gói hỗ trợ trước thì việc bổ sung các gói hỗ trợ tiếp theo cũng không phát huy được hiệu quả thực tế cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế", chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nói.
Thy Hằng
Ảnh: Quốc Tuấn