Trích bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021:
Đảng ta khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hoá là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hoá và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đảng ta cũng đã xác định, chủ thể xây dựng và phát triển văn hóa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng; nhấn mạnh đến phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa.
Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
Đảng ta nhấn mạnh, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; làm rõ đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; nhấn mạnh trọng tâm của việc xây dựng văn hóa là xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp… Trong Nghị quyết này, Đảng ta đã xác định một số nhiệm vụ mới là xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và hoàn thiện thị trường văn hóa. Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/ TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tôi tin rằng, với Đất nước, một Dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của Dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho Dân tộc, cho Giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, Đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một Dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.
GS.TS Furuta Motoo - Hiệu trưởng ĐH Việt Nhật (VNU):Những thành tựu và triển
vọng của công cuộc đổi mới ở Việt Nam - Góc nhìn từ Nhật Bản (TS.Tô Hoài Nam biên tập)
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra định hướng lớn là đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Tôi thấy đây là ước mơ lớn của nhân dân Việt Nam cần phải nỗ lực phấn đấu vượt bậc nhưng là mục tiêu khả thi. Trong những thành tựu nổi bật của Đổi mới, tôi cho rằng hai yêu tố đóng vai trò quan trọng. Một là sự ổn định về mặt chính trị, hai là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Suốt quá trình thực hiện đổi mới, xã hội Việt Nam chứng kiến sự đổi thay rất lớn, nhưng vẫn giữ được ổn định chính trị. Hiện nay nhiều công ty Nhật Bản muốn đầu tư vào Việt Nam. Khi hỏi lý do tại sao chọn Việt Nam thì 16,7% công ty Nhật Bản nói rằng: Việt Nam có sự ổn định chính trị. Tất nhiên trong việc giữ vững ổn định chính trị thì vai trò của Đảng cầm quyền, tức là Đảng Cộng sản Việt Nam rất lớn.
Tôi cho rằng một trong những lý do quan trọng khiến cho Đảng Cộng sản Việt Nam giữ được ổn định chính trị là Đảng nêu cao “Tư tưởng Hồ Chí Minh.” Từ năm 1991, sau khi triển khai Đường lối Đổi mới, “Tư tưởng Hồ Chí Minh” đã được chính thức đưa vào Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tồn tại cùng với Chủ nghĩa Mác-Lênin, đóng vai trò là “cơ sở tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng”.
Một tác dụng lớn của “Tư tưởng Hồ Chí Minh” là để cho Đảng thoát ra khỏi giáo điều mà mạnh dạn tìm con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với Việt Nam. Một đặc điểm của “Tư tưởng Hồ Chí Minh” là tư tưởng sáng tạo, không dập khuôn giáo điều và bổ sung phát triển chủ nghĩa Mác. Tinh thần đó đã được thể hiện trong chính sách Đổi mới. Đảng Cộng sản nhận ra rằng, những bước đi trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đổi mới nằm trong mối quan hệ mật thiết với những nỗ lực trong hoạt động thử nghiệm nhằm xây dựng mô hình sáng tạo phù hợp với Việt Nam hiện thời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo coi trọng yêu tố dân tộc như lời nói nổi tiếng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã chỉ rõ. Về sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Cụ Hồ luôn tìm tòi chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện Việt Nam và coi như là mô hình phổ biến cho nhân loại. Tôi cho rằng bằng cách nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo sự nghiệp Đổi mới với định hướng xây dựng đất nước trên cơ sở phát huy tinh thần Việt Nam, con người Việt Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội đậm nét bản sắc Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân mà cụ Hồ vẫn luôn được coi là “vị anh hùng kiệt xuất hoàn hảo của dân tộc Việt Nam” kể cả khi sinh thời hay khi đã m ấ t đ ư ợ c c h o l à n ằ m trong phong cách lãnh đạo của Cụ. Hồ Chí Minh không thực hiện quyền lực mang tính độc tài. Cụ giao việc quyết định chính sách đáp ứng được nhu cầu thực tế cho Bộ Chính trị của Đảng bao gồm các “học trò” của mình, luôn tôn trọng tính đồng thuận của thể chế tập thể lãnh đạo đó. Chế độ tập thể lãnh đạo đó sau này cũng được thừa kế, duy trì trong Đảng Cộng sản Việt Nam sau này và trở thành đặc trưng cho đến ngày nay.
Tôi cho rằng, một trong những lý do Đảng Cộng sản Việt Nam đạt được ổn định là phong cách lãnh đạo Đảng thể hiện văn hóa Việt Nam kế thừa từ cụ Hồ. Một đặc điểm nổi bật của văn hóa Việt Nam là mềm dẻo linh hoạt, tùy cơ ứng biến. Tất nhiên tôi cũng thừa nhận rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam mềm dẻo, nhưng đồng thời rất vững vàng, giống như cây tre vậy.
Một lý do tôi tin Việt Nam trở thành được nước phát triển đến năm 2045 là thế giới đang ngày càng trở nên phẳng hơn bao giờ hết. Thế giới đang trở thành sân chơi bình đẳng trên lĩnh vực kinh tế và một số lĩnh vực khác, trong đó mọi đối tác đều có cơ hội như nhau. Việt Nam muốn nắm bắt cơ hội này thì chất lượng của nguồn nhân lực sẽ đóng vai trò quyết định.
Trước đây lý do chính mà các công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam là vì nguồn nhân lực giá rẻ. Nhưng hiện nay, nhiều công ty Nhật Bản bắt đầu nhận thấy Việt Nam là nguồn cung cấp nhân lực chất lượng cao. Theo điều tra JETRO năm 2020, khi được hỏi sức hấp dẫn Việt Nam thì 86,1% công ty Nhật Bản trả lời quy mô thị trường trong nước Việt Nam và khả năng tăng trường kinh tế cao, 19,6% công ty Nhật Bản trả lời Việt Nam là nguồn cung cấp nhân lực chất lương cao.
Trường Đại học Việt Nhật là một trong những ví dụ điển hình về “cái nôi hợp tác tri thức”.
Sứ mệnh của Trường Đại học Việt Nhật là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới trở thành nhà lãnh đạo, nhà quản lý và chuyên gia ở Việt Nam, Nhật Bản, khu vực Đông A và thế giới. Để có thể thực hiện được sứ mệnh này, Trường Đại học Việt Nhật chú trọng trang bị cho sinh viên tầm nhìn rộng mang tính toàn cầu và kỹ năng thích ứng với những biến đổi lớn của tự nhiên, xã hội. Chính vì lý do này, Trường Đại học Việt Nhật lấy giáo dục khai phóng và phát triển bền vững làm triết lý cơ bản của mình để đào tạo nên những công dân toàn cầu. Trường Đại học Việt Nhật coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực hiểu về đất nước Nhật Bản một cách sâu sắc từ góc độ chuyên ngành của mình. Nhưng đồng thời Trường cũng coi trọng việc nâng cao hiểu biết về Việt Nam của sinh viên.
Theo tôi, công dân toàn cầu không phải là người vô quốc tịch hoặc người mất gốc, mà phải là người có hiểu biết về văn hóa nước mình, của các nước trong khu vực và biết yếu tố nào trong kho tàng văn hóa nước mình có thể góp phần được vào việc làm phong phú thêm văn minh nhân loại. Nhân tài như vậy mới xứng đáng gọi là tài năng toàn cầu.
Liên quan tới vấn đề này, tôi cho rằng quyền lực mềm đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng mối quan hệ đối tác bình đẳng giữa các nước trong khu vực Đông A gồm Việt Nam và Nhật Bản. Giữa những người dân sinh sống tại các đô thị lớn của khu vực, nhất là giữa lớp trẻ, có xuất hiện những mặt thị hiếu chung của khu vực Đông A trong lĩnh vực văn hoá đại chúng như tranh biếm họa, phim hoạt hình, thời trang, nhạc pop v.v...
Mặc dù mối quan hệ giữa các chủ thể văn hoá chưa phải bình đẳng nhưng nước nào cũng có thể trở nên nước xuất khẩu văn hoá và dòng chảy văn hoá ở đây không phải một chiều. Việt Nam có đủ khả năng đưa nhiều sản phẩm văn hoá xuất sang vùng văn hoá chung của khu vực Đông A. Việc đó nhất định góp phần vào việc nâng cao vị thế Việt Nam trong khu vực và việc xây dựng mối quan hệ đối tác bình đẳng với Nhật Bản.
GS. TS FURUTA MOTOO:
Hiệu trường đầu tiên của trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN (2016 - nay)
Giảng viên Đại học Tokyo (từ năm 1978-2015, trong thời gian này đã từng làm Hiệu trưởng trường đại học Đại cương, Phó Giám đốc Đại học Tokyo, Giám đốc Thư viện đại học Tokyo)
Hoạt động xã hội: Chủ tịch Hội Nhật Bản Nghiên cứu Đông Nam A(2007-2008), Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật-Việt (2007 đến hiện nay), Chủ tịch Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam (2013-2017). Lĩnh vực chuyên môn: Lịch sừ Cách mạng Việt Nam.
Giải thưởng: Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (năm 2012 về công trinh Nạn Đói Năm 1945 Ơ Việt Nam, đồng biên soạn với GS Văn Tạo).
PGS.TS Dương Thị Liễu - Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh: Văn hóa kinh doanh hòa vào “dòng chảy” văn hóa Việt
Khái niệm văn hóa kinh doanh đã có ở các quốc gia phương Tây từ những năm 80 của thế kỉ trước, nhưng ở Việt Nam đến những năm 90 mới được đưa vào thuật ngữ của một số Viện nghiên cứu ở các trường Đại học.
Đảng và Chính phủ đã bắt nhịp rất nhanh với khái niệm văn hóa kinh doanh. Minh chứng là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó nêu rất rõ vai trò của văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân. Sau đấy chúng ta lại có Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI đi sâu vào văn hóa doanh nhân.
Khi đưa Nghị quyết số 33-NQ/TW vào cuộc sống, Chính phủ đã có Chương trình 102 cụ thể hóa các nội dung về văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trong thực tiễn.
Đặc biệt, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1846/QĐ-TTg chính thức chọn ngày 10/11 hằng năm làm ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.
Sau Đại hội thứ XIII và Hội nghị Văn hóa toàn quốc, có thể nói “dòng chảy” của văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp đã được đặt trong “dòng chảy” của văn hóa Việt Nam. Một “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa như sự mở đường, động viên mạnh mẽ, thúc đẩy nâng tầm văn hóa kinh doanh Việt Nam.
Nói về văn hóa kinh doanh, có rất nhiều khía cạnh. Đầu tiên là bản lĩnh, năng lực của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp; thứ hai là trách nhiệm xã hội mà doanh nghiệp cần thực hiện, sự đồng hành của doanh nghiệp với xã hội; thứ ba là các vấn đề đạo đức trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; thứ tư là sự cạnh tranh lành mạnh với đối thủ, trung thành và tôn trọng khách hàng; cuối cùng là tuân thủ pháp luật.
Văn hóa kinh doanh đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ các khía cạnh. Chỉ có thực hiện văn hóa kinh doanh thì sự phát triển của doanh nghiệp mới bền vững và hiệu quả.
Văn hóa doanh nhân được hiểu là văn hóa của người đứng đầu một doanh nghiệp, bao gồm các yếu tố: Tầm nhìn, tố chất, bản lĩnh và đạo đức. Doanh nhân có văn hóa phải hội tụ đủ 4 tố chất này. Nếu vị “thủ lĩnh” thiếu văn hóa doanh nhân thì khó chèo chống đưa doanh nghiệp tới thành công.
Trong thời điểm cách mạng 4.0, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, doanh nhân có văn hóa sẽ bắt nhịp rất nhanh những “nhịp đập” của thị trường, sự biến thiên của đời sống kinh tế trong và ngoài nước.
Văn hóa kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Bởi ở bất kì quốc gia nào, cộng đồng doanh nghiệp cũng là tế bào rất quan trọng để làm nên sự phát triển của quốc gia đó. Nếu cộng đồng doanh nhân có văn hóa, những người đứng đầu cộng đồng này cũng có văn hóa sẽ tạo nên sự cộng hưởng, giúp cả nền kinh tế phát triển bền vững.
Trong thời gian qua, Đảng, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và những tổ chức như Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp rất nỗ lực triển khai những vấn đề của văn hóa kinh doanh vào trong thực tiễn. Để các doanh nghiệp Việt Nam đều đáp ứng được các khía cạnh của văn hóa kinh doanh cần rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, những năm gần đây các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức rất rõ cả 5 yếu tố văn hóa. Đây là “tất yếu thép” để doanh nghiệp tồn tại trong biến chuyển của đời sống kinh tế. Thực tế đang có ngày càng nhiều doanh nhân 9x, thậm chí trẻ hơn nhận thức và ý thức rất rõ việc thực hiện văn hóa doanh nhân.
Bối cảnh hiện này đang là một thế giới “đa cực”: Biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ. Cùng với đó, cách mạng 4.0 và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ nên trong tương lai, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần có tính thích ứng nhanh và mạnh cả về tư duy và hành động, một cách bài bản, khoa học. Các Hội, Hiệp hội cần định hướng, đào tạo cho lãnh đạo các doanh nghiệp.
Thứ hai, doanh nghiệp cần phải có tính đột phá, mạo hiểm. Hiện nay doanh nghiệp Việt Nam còn e ngại mạo hiểm. Nếu mãi nằm trong vùng an toàn, không nhìn rộng ra thế giới thì không thể nâng tầm, hội nhập quốc tế.
Chúng tôi kỳ vọng với việc chúng ta quyết tâm nâng tầm văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nhân lên, với sự thúc đẩy từ chính sách, sự động viên từ Đảng và Chính phủ, trong vòng 5-7 năm nữa có thể đã có những con số cụ thể và lạc quan.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Văn hoá là phẩm chất, năng lực, bản lĩnh, sức mạnh của con người:
Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một bước ngoặt lớn trong nhận thức và tư duy. Vấn đề không mới từ cách đặt vấn đề văn hoá soi đường cho quốc dân đi, là cách thể hiện hết sức là hình tượng và hấp dẫn, dễ nhớ dễ hiểu. Hội nghị trong kháng chiến chống pháp ở Phú Thọ chủ yếu là để tập hợp lực lượng từ văn nghệ sĩ đến những người làm văn hoá để tham gia vào cuộc kháng chiến kiến quốc. Hội nghị lần này thì gắn liền với Đại hội XIII. Đại hội là một sự kế thừa, tổng kết cái cũ và cố gắng mở ra cái mới.
Trong mở ra cái mới, có hướng tới cái mới thực sự, tức là hội nhập và thay đổi, có khắc phục cái cũ, những bộc lộ sự hạn chế. Như quan niệm văn hoá được đặt ở vị trí không thua kém gì kinh tế, chính trị; văn hoá là nền tảng là mục tiêu. Nhìn vào những văn kiện, những chỉ đạo, những phát biểu của những nhà lãnh đạo thì thực ra không có gì mới. Nhưng vấn đề lớn nhất của chúng ta là đưa văn hóa vào đời sống. Chỉ nhìn một cách số học, văn hoá ngang bằng với kinh tế chính trị nhưng chúng ta đầu tư ngân sách cho văn hoá chỉ chiếm trên dưới 2%. Một con số quá khiêm nhường nếu so với kinh tế, kể cả so với giáo dục.
Tôi cho rằng hội nghị này đã đánh thức toàn xã hội khi đính chính những yếu tố mà chúng ta đang phải đối diện. Những yếu tố liên quan đến việc chúng ta xây dựng đất nước, xây dựng con người, hội nhập với thế giới. Và một yếu tố rất đặc thù là chúng ta phải ứng phó với COVID, như việc cứu hộ những người lao động ở miền Nam trở về quê hương, công đoàn nhà nước không đủ sức mà lại là hội đồng hương, hội cựu chiến binh giúp đỡ nhau. Chính bối cảnh đấy chúng ta mới nhận ra không phải đầu tư vào để mở mang cái này cái kia mà chính văn hoá mới là chìa khoá để mở cửa.
Là người làm sử tôi nghĩ văn hoá là phẩm chất, năng lực, bản lĩnh, sức mạnh của con người trong mối quan hệ với thiên nhiên và mối quan hệ giữa con người với con người. Ví dụ ở xứ lạnh thì con người mặc áo lông thú, còn ở xứ nóng thì cởi trần, ở nơi nhiều bức xạ thì phải mặc áo chắn. Môi trường chúng ta sống như nào thì ta phải tương tác với nó. Sự tương tác ấy tạo nên con người. Xu thế toàn cầu hoá ngày càng lớn, chúng ta rồi sẽ nói đến khái niệm công dân quốc tế, công dân toàn cầu. Rồi cuối cùng chúng ta vẫn phải trở lại với bản sắc riêng của mình, quay về chân giá trị của mình.
Chúng ta đang bắt đầu trở lại và ta thấy hụt hẫng rất nhiều yếu tố. Chúng ta cứ nói đô thị nước ta sẽ phát triển như các nước xung quanh ta như Trung Quốc, Mỹ, các nước Tây Âu. Những chỉ cần nhìn vào nông thôn chúng ta sẽ thấy sự khủng hoảng và chỉ còn cách đô thị hoá tiếp, có thể đánh mất rất nhiều giá trị truyền thống. Hội nghị vừa rồi đã đánh thức những người lãnh đạo cũng như người dân. Có thể sự đánh thức đấy dẫn đến một thời kì mà cứ mở miệng là ta nói đến văn hóa và không làm gì cả. Cái quan trọng là nó phải đi vào đời sống, phải hành động.
Nếu nhìn vào trong lịch sử thì đại dịch bao giờ cũng là những trang sử ảm đạm nhưng sau sự ảm đạm đó là sự bừng sáng của đổi mới. Thí dụ như đại dịch Tây Ban Nha ở Châu Âu làm mất đi một lực lượng lớn nguồn lao động sinh học, họ nhận ra rằng phải có máy móc thay thế. Cũng như chính chúng ta trong vòng 3 năm nay thôi, trước khi đại dịch đến chúng ta vẫn bàn câu chuyện 4.0, vẫn nghĩ đến chuyện online, vẫn nghĩ chuyện mua bán trên mạng. Nhưng đến bây giờ nó đã trở thành tất yếu. Những gia đình dù vẫn còn rất thiếu thốn nhưng cũng phải trang bị cho con công cụ để học tập, xã hội phải tập trung vào để giải quyết điều đó. Đại dịch như một sự nhắc nhở cảnh tỉnh, chúng ta phải nhìn cái thay đổi tích cực của nó.
Những việc ứng xử giữa con người với nhau về văn hoá. Ngày xưa người phương Tây chìa bàn tay phải ra để thể hiện sự an toàn và thiện chí. Nhưng bây giờ chìa bàn tay ra ta thấy bàn tay là nơi bẩn nhất và nguy hiểm nhất. Người Việt Nam ta xưa khoanh tay lại cúi chào nhau, đầu sự an toàn và thể hiện sự trọng thị. Tại sao ta không trở lại cái cũ và tự mình tạo ra tập quán mới.
Hội nghị đánh thức mọi người dậy, nhưng đánh thức xong mọi người cần phải suy nghĩ, phải tư duy về nó, biến nó thành những giải pháp sáng kiến để chúng ta có thể thay đổi. Ngân sách là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là tất cả mà chính là phương thức ý thức con người về văn hoá. Nếu không nó sẽ trở thành một phong trào thoáng qua rồi lại trở về như cũ.
Nói cho cùng toàn bộ đời sống chúng ta bị chi phối bởi một yếu tố mà chúng ta né tránh, không muốn nói đến, ngại nói đến hoặc che giấu, đó là lợi ích. Lợi ích cứ tưởng là cái gì xấu xa nhưng bản chất nó là động lực. Tất cả là bài toán lợi ích, phải hài hoà các lợi ích. Trong cái hài hoà ấy cần sự công bằng. Người lao động, người làm nhiều phải được hưởng nhiều hơn. Đó là bài toán cực khó và nó vận hành tất cả.
Có một nguyên lý lâu nay chúng ta vẫn hay nói “phú quý sinh lễ nghĩa”, hai vế này phải tương tác với nhau. Đây là lúc mọi người phải suy nghĩ đầu tư văn hoá chính là đem lại lợi ích cho mình. Tạo ra một sự vận động thành nếp, thành quy luật, được đưa vào chế tài pháp luật, thành kế ước xã hội, thành thói quen. Chúng ta phải quan tâm đến tính thực tiễn, văn hoá là đi vào thực tiễn chứ không phải lý thuyết. Phải làm sao cho cả thế giới hiểu rằng văn hoá của nhân loại chính là tính đa dạng.
Bây giờ rất khó để nói sau hội nghị này hiệu ứng sẽ như thế nào, chúng ta cần có thời gian. Có thể xảy ra tình trạng nghị quyết ra rồi nghị quyết lại đi. Nhưng vấn đề văn hoá bây giờ đã trở thành vấn đề sống còn. Ví dụ như vấn đề tham nhũng, các vị lãnh đạo phải nhận ra vấn đề này chính là vấn đề sống còn của chế độ. Nên công cuộc chấn hưng văn hóa luôn là cần thiết trong mọi thời kì.
Linh Thảo - Hồng Ngát