CEO ngày nay cần có kỹ năng thực hành kỹ thuật số

15:22 29/11/2021

Quá trình chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện từ chiến lược đến thực hiện thường gặp nhiều thách thức. Để thành công, các CEO phải có hiểu biết nhất định về số hóa và trực tiếp tham gia. Các kiến thức này bao gồm các sắc thái của thế giới kỹ thuật số; định hình thiết kế sản phẩm, trải nghiệm người dùng và định hướng công nghệ.

Các kỹ năng về kỹ thuật số đặc biệt là thực hành kỹ thuật số đang vô cùng cần thiết đối với các CEO thế hệ mới
Các kỹ năng về kỹ thuật số đặc biệt là thực hành kỹ thuật số đang vô cùng cần thiết đối với các CEO thế hệ mới. (Ảnh: Future Learn)

Khi hoạt động kinh doanh ngày càng yêu cầu trình độ kỹ thuật số nâng cao cũng như kỹ năng phân tích số liệu, nhiều công ty đã bị tụt hậu lại phía sau thể hiện rõ bằng kết quả mờ nhạt trong công cuộc chuyển đổi số. Theo một nghiên cứu gần đây của BCG, hơn hơn 80% các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi vào năm ngoái nhưng có đến 70% trong số này không đạt được mục tiêu.

Hiển nhiên, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện từ chiến lược đến thực hiện thường gặp nhiều thách thức. Để thành công, các CEO phải có hiểu biết nhất định về số hóa và trực tiếp tham gia. Các kiến thức này bao gồm các sắc thái của thế giới kỹ thuật số; định hình thiết kế sản phẩm, trải nghiệm người dùng và định hướng công nghệ.

Như Tom Siebel, người sáng lập Siebel Systems gần đây đã viết trên McKinsey Quarterly: “Những gì tôi thấy hiện nay là kết quả chuyển đổi dưới bàn tay thúc đẩy của các giám đốc điều hành. Cá nhân các CEO có tầm nhìn xa trở thành động cơ của cú lột xác toàn ngành lớn nhất trong lịch sử Công Nghệ thông tin (CNTT)”. Tuy nhiên, có vẻ như nhiều công ty đang khiếm khuyết vị trí này cũng như cơ quan đầu não phù hợp để giải quyết các quy trình chuyển đổi.

Theo một nghiên cứu về khoảng 2.000 công ty tại Mỹ được công bố trên Tạp chí Quản lý Sloan vào tháng 3, chỉ có 7% trong số đó được dẫn dắt bởi các nhóm có năng lực kỹ thuật số. Điều này có nghĩa là trong một nhóm mà hơn nửa số thành viên hiểu biết về kỹ thuật số sẽ nhận thức vững chắc về cách công nghệ mới nổi sẽ hình thành nên thành công của công ty. Không có gì ngạc nhiên khi những công ty này biểu hiện vượt trội hơn 48% so với phần còn lại về tốc độ tăng trưởng doanh thu và định giá thị trường.

Có ít hơn 25% tổng số CEO và khoảng 12,5% tổng số CFO trong nghiên cứu trên có thể được coi là thành thạo về kỹ thuật số. Ngay cả trong số vị trí trưởng bộ phận công nghệ, chỉ 47% trong tổng số CTO và 45% trong tổng số CIO đáp ứng đủ những yêu cầu về kỹ thuật số, phần còn lại tập trung vào cơ sở hạ tầng CNTT và hoạt động tại văn phòng nhiều hơn là nắm bắt giá trị từ các công nghệ kỹ thuật số hiện hành. Rõ ràng, các công ty trên khắp mọi nơi cần phải xem xét lại thành phần của đội ngũ quản lý đầu não.

Hội đồng quản trị của các doanh nghiệp cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Một nghiên cứu khác của MIT về khoảng 3.000 công ty có doanh thu hàng năm hơn 1 tỷ đô la cho thấy 76% hội đồng quản trị trong số này không có hiểu biết về kỹ thuật số. Các giám đốc không được đào tạo chuyên môn và số lượng ít những người có kinh nghiệm khiến quá trình chuyển đổi bị rời rạc. Điều thú vị là các công ty có từ ba giám đốc hiểu biết về kỹ thuật số trở lên trong hội đồng quản trị báo cáo tỷ suất lợi nhuận cao hơn 17% và tăng trưởng doanh thu cao hơn 38% so với những công ty có từ hai giám đốc về mảng này trở xuống.

Mặt khác, cũng đừng quên rằng hội đồng quản trị nắm trong tay nhiều quyền kiểm soát hơn đối với các công ty mang tính chất kế thừa – ví dụ như các công ty gia đình, tập đoàn lâu năm cha truyền con nối, so với các công ty kỹ thuật số. Thung lũng Silicon Valley, cái nôi ra đời của Apple, Google, Facebook, Wells Fargo, Visa là nơi tụ họp của những người sáng lập công ty công nghệ, nhà đầu tư mạo hiểm và giám đốc điều hành dày dạn kinh nghiệm từ các công ty kỹ thuật số. Đó là lý do tại sao Jeff Bezos của Amazon từng tuyên bố vào năm 1997 rằng Amazon sẽ đưa ra các quyết định đầu tư táo bạo thay vì trở nên quá rụt rè, thận trọng. Chắc chắn rằng không phải quyết định nào cũng mang lại lợi nhuận nhưng đều là những bài học quý giá dù có thành công hay thất bại. Thật không may, đó không phải là điều mà CEO của các công ty kế thừa dám công bố với hội đồng quản trị hoặc cổ đông, dẫn đến tốc độ chuyển đổi số chậm hơn những “gã khổng lồ” toàn cầu.

Bên cạnh đó, không phải mọi CEO đều sinh ra đều đã hiểu biết về kỹ thuật số, ngay cả những người thành công nhất luôn phải học tập không ngừng, áp dụng công nghệ vào công việc. Brian Chesky (Airbnb), Tim Westergren (Pandora), Sean Rad (Tinder) và Evan Sharp (Pinterest) đều là những doanh nhân phi công nghệ đã thành lập những “gã khổng lồ” kỹ thuật số. Họ tập trung vào tìm hiểu về ứng dụng cần thiết cho ngành nghề bằng cách xem xét chiến lược công nghệ phù hợp và một số thậm chí đã học cách lập trình.

Các công ty công nghệ thành công khi được dẫn dắt bởi bộ ba kỹ thuật số gồm giám đốc sản phẩm, giám đốc thiết kế theo nhu cầu người dùng và giám đốc công nghệ. Mặc dù mỗi lĩnh vực này có thể được dẫn dắt bởi các chuyên gia, nhưng giám đốc điều hành của một công ty kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong việc xác định yêu cầu sản phẩm, thiết kế sản phẩm dựa theo trải nghiệm thực tế và đưa ra lựa chọn về công nghệ phù hợp. Tuy nhiên, những vai trò này thường bị xem nhẹ trong hệ thống phân cấp ở các công ty dưới dạng kế thừa. Khi ấy, giám đốc điều hành sẽ mất khả năng quan sát và tham gia vào các quyết định về công nghệ. Bộ máy quản lý sẽ phụ trách đưa ra các quyết định về sản phẩm, công nghệ và trải nghiệm,... nhưng chắc chắn sẽ không đạt được kết quả tích cực.

Do đó, hiểu biết thôi là chưa đủ, các CEO càng cần phải nâng cao vai trò, đóng góp cho sự thay đổi mang tính hệ thống này. Chuyển đổi kỹ thuật số không chỉ đơn giản là áp dụng các công nghệ và quy trình mới mà cốt lõi là vượt qua sức ì và sức cản để thay đổi cách mọi người suy nghĩ và làm việc. Có thể thấy rõ trong nhiều trường hợp, các CEO tại các doanh nghiệp kế thừa không đủ khả năng để can thiệp, vai trò của họ chỉ đơn giản là tạo điều kiện thuận lợi cho công việc. Nhưng thế giới ngày nay đã khác, các nhà lãnh đạo kỹ thuật số thành công nhất đảm nhận mọi thứ, thậm chí ám ảnh trên từng chi tiết nhỏ. Đó cũng là cách làm của giới tinh hoa công nghệ bao gồm Jeff Bezos của Amazon, Steve Jobs của Apple, Sergey Brin và Larry Page của Google và Elon Musk của Tesla. Logic này cũng tương tự với các công ty phi công nghệ do các nhà lãnh đạo kỹ thuật số như John Donahoe của Nike và Kevin Johnson của Starbucks dẫn đầu. Tất cả họ đều hiểu rằng tập trung vào quản lý, thay đổi sản phẩm phù hợp với trải nghiệm người dùng không phải là nỗ lực vô ích mà là gieo mầm hạt giống của tương lai.

Với tư cách là CTO của một công ty công nghệ có trụ sở tại Silicon Valley, Dan Graves đã gặp gỡ các CEO của một số công ty lớn nhất thế giới hiện tại nhằm giúp doanh nghiệp hiện đại hóa cơ sở hạ tầng dữ liệu và kỹ thuật số. Tại hầu hết các cuộc họp, Dan đều đặt câu hỏi công nghệ kỹ thuật số quan trọng như thế nào đối với doanh nghiệp và câu trả lời nhận về luôn luôn là “không có ưu tiên nào hơn thế”. Nhưng khi Graves hỏi CIO hoặc CDTO (Giám đốc điều hành chuyển đổi kỹ thuật số) rằng CEO của công ty đã dành bao nhiêu thời gian để tập trung vào công nghệ, bỗng, ai nấy đều ngập ngừng: “Ít hơn thời gian tôi bỏ ra”.

Vậy đấy, nếu CEO của các công ty có giá trị nhất thế giới có thể đủ khả năng dành thời gian cho các yêu cầu về sản phẩm, trải nghiệm người dùng và công nghệ, thì CEO của các công ty kế thừa đang vật lộn để bắt kịp cuộc chơi. Trong bối cảnh mọi doanh nghiệp chuyển sang hoạt động kinh doanh dữ liệu và kỹ thuật số, mỗi giám đốc điều hành cần phải đích thân lãnh đạo quá trình chuyển đổi. Không gì có thể làm tổn hại một công ty nhiều hơn trong tương lai ngoài quan niệm sai lầm rằng trở thành một doanh nghiệp số hóa chỉ đơn giản dựa vào CTO hoặc CIO.

Anh Đức