Câu cá giải trí góp phần quản lý bền vững tài nguyên biển, phát triển kinh tế

10:39 11/03/2023

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023 phê duyệt Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Mục tiêu chung Đề án nhằm chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản có ảnh hưởng ít hơn hoặc chuyển một số tàu cá có nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái sang lĩnh vực khác ngoài khai thác để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đội tàu cá trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi; cải thiện môi trường làm việc và đảm bảo 100% ngư dân chuyển đổi nghề có việc làm ổn định, thu nhập bảo đảm cuộc sống sau khi chuyển đổi nghề.

Chuyển khoảng 2.000 tàu khai thác hải sản sang nghề nuôi trồng thủy sản

Đề án phấn đấu đến năm 2025 chuyển đổi khoảng 2.000 tàu cá hoạt động ở vùng biển ven bờ, vùng lộng đang làm khai thác hải sản sang nghề nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí, các nghề mà địa phương đang có định hướng phát triển hoặc tham gia hướng dẫn du lịch trong khu vực bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và không vi phạm các quy định của pháp luật.

Chuyển đổi 1.000 tàu cá hoạt động ở vùng biển khơi làm nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái sang làm các nghề khai thác hải sản ảnh hưởng ít đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái.

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cơ bản hoàn thiện việc chuyển tàu cá làm nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi hải sản, môi trường, hệ sinh thái của các vùng biển; góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nâng cao hiệu quả quản lý đội tàu cá, ổn định đời sống của ngư dân; tham gia chủ động, có trách nhiệm để phát triển hiệu quả, bền vững ngành khai thác thủy sản.

Không cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cải hoán, đóng mới khi không có văn bản chấp thuận

Để đạt được những mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ cần thực hiện là tăng cường quản lý nhà nước về khai thác thủy sản như: Không cấp văn bản chấp thuận cho đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá đối với tàu cá làm nghề cấm, nghề hạn chế phát triển theo quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm, không cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu cải hoán, đóng mới khi không có văn bản chấp thuận cải hoán đóng mới tàu cá.

Nhiệm vụ khác của Đề án là chuyển đổi sang các nghề khai thác khác. Cụ thể, đối với nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ: Cắt giảm những tàu cá làm nghề lưới kéo có chiều dài lớn nhất từ 15 m nước trở lên, tàu cá có tuổi từ 15 tuổi trong giai đoạn đến năm 2025 và giảm dần trong giai đoạn 2026 – 2030; không cấp lại giấy phép thuê, mua tàu cá từ nơi khác về địa phương đối với tàu cá làm nghề lưới kéo, nghề lưới rê thu ngừ.

Câu cá giải trí góp phần quản lý bền vững tài nguyên biển, phát triển kinh tế

Ảnh minh họa
Câu cá giải trí góp phần quản lý bền vững tài nguyên biển

Đồng thời, Đề án tiến hành chuyển đổi các nghề ven bờ sang nghề dịch vụ khai thác thủy sản, nghề cá giải trí và các nghề khác. Theo đó, tại các vùng biển bãi ngang, vùng cửa sông, ven đảo nơi có tiềm năng, điều kiện phát triển du lịch cần thúc đẩy phát triển nghề cá giải trí, bao gồm các hoạt động: Khai thác cảnh quan, hệ sinh thái biển, chuyển đổi một số tàu cá sang tàu đáy kính để ngắm cá, ngắm rạn sạn hô, lặn ống thở hoặc lặn để ngắm san hô, cỏ biển, cá biển, câu mực, câu cá rạn, lặn săn bắn cá gắn với hoạt dộng dịch vụ ẩm thực, đánh cá trải nghiệm, các hoạt động giáo dục...; hoạt động khai thác hải sản có kiểm soát; hoạt động đánh cá trải nghiệm và các hoạt động giáo dục, giải trí khác.

Cùng với đó là phải tuyên truyền, phổ biến, tập huấn đào tạo nhân rộng các mô hình nghề cá giải trí; các mô hình chuyển đổi từ nghề lưới kéo, nghề rê thu ngừ sang các nghề khác đạt hiệu quả để người dân biết và tổ chức triển khai thực hiện; thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản…

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), câu cá giải trí là “hoạt động đánh bắt động vật thủy sinh (chủ yếu là cá) không phải là nguồn thực phẩm chính để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cơ bản của cá nhân và thường không được tiêu thụ nội địa hoặc trao đổi, mua bán trên thị trường xuất khẩu”. Hoạt động câu cá giải trí có thể cạnh tranh với các nghề cá thương mại, khi việc đánh bắt được tiến hành tại cùng một khu vực. Việc quảng bá rộng rãi chính sách đánh bắt và phóng thích cá câu được sẽ khiến hoạt động câu cá giải trí đạt doanh thu cao hơn giá trị thực của con cá.
Ước tính sơ bộ về số lượng người câu cá giải trí trên toàn cầu khoảng 220 triệu người đến 700 triệu người, cao hơn gần gấp đôi số lượng người câu cá thương mại. Việc tham gia câu cá giải trí được công nhận là đang gia tăng trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển cùng với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu. Nhiều nguồn cá nước ngọt hoang dã và một số nguồn lợi hải sản ven biển được sử dụng riêng cho hoạt động đánh bắt cá giải trí ở các quốc gia công nghiệp hóa. Thực tế đã ghi nhận giá trị kinh tế cao trong mỗi vụ thu hoạch mà ngành câu cá giải trí có thể đem lại nếu được quản lý tốt.
Thanh Hà t/h