Những khoản cắt giảm này có thể ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước trong thời gian ngắn trước mắt, nhưng về lâu dài, tác động mà nó mang lại sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn.
PV: Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát, ban hành một loạt thông tư quy định không thu hoặc điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, đã quy định bỏ thu 6 khoản phí và 4 khoản lệ phí (được chi tiết thành 17 dòng phí, lệ phí); điều chỉnh giảm mức phí đối với 21 khoản phí (được chi tiết thành 45 dòng phí) và 2 khoản lệ phí. Ông đánh giá như thế nào về động thái này của Bộ Tài chính, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách đang khó khăn?
Ông Thomas Mc. Clelland |
Ông Thomas Mc. Clelland: Theo tôi, động thái cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp đem lại những tín hiệu tích cực. Những chuyển động này cùng những cải cách giúp chính sách của Chính phủ Việt Nam tăng hiệu quả và tính minh bạch; đồng thời cải thiện độ tin cậy của môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Điều này cũng sẽ giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn và đáng tin cậy hơn cho cả đầu tư trong và ngoài nước. Những khoản cắt giảm chi phí này có thể ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước trong thời gian ngắn trước mắt, nhưng về lâu dài, tác động mà nó mang lại sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn.
PV: Tùy theo từng loại, mức giảm phí và lệ phí của Bộ Tài chính đề xuất khoảng từ 5% đến 25% so với mức hiện hành, cá biệt có một số khoản phí điều chỉnh mức giảm lớn hơn từ 60% đến 90%. So với các quốc gia trong khu vực, ông đánh giá thế nào về các mức phí này của Việt Nam?
Ông Thomas Mc. Clelland: Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (trong báo cáo Doing Business 2018), nhìn chung, chi phí trung bình liên quan đến thuế (thuế suất và tỷ trọng thuế) của doanh nghiệp hiện tại của Việt Nam có xu hướng giảm tích cực nhưng vẫn cao so với các nước khác ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan hay Indonesia, trong khi các nước đó là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, trong bối cảnh thực tế của nền kinh tế Việt Nam, các đề xuất của Bộ Tài chính về việc cắt giảm chi phí như vậy là hợp lý, đặc biệt ở thời điểm hiện tại nhằm cải thiện lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế.
PV: Theo ông, loại phí, lệ phí nào có tác động nhiều tới chi phí của doanh nghiệp? Việc đồng loạt giảm nhiều loại phí, lệ phí như vậy có ý nghĩa thế nào đối với hoạt động của các doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Thomas Mc. Clelland: Sẽ rất khó để nhận xét loại phí và lệ phí nào sẽ ảnh hưởng đến chi phí kinh doanh vì điều này phụ thuộc vào từng ngành cụ thể hoặc cơ cấu doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo tôi, các loại phí hoặc lệ phí quan trọng mà hầu hết các doanh nghiệp thường quan tâm sẽ liên quan đến thủ tục kinh doanh và đầu tư, phí và thủ tục thuê đất, phí hành chính xây dựng, đóng góp an sinh xã hội...
Như tôi đã đề cập, những khoản cắt giảm này cho thấy Bộ Tài chính cũng như Chính phủ đang đồng hành và chia sẻ cùng những khó khăn của doanh nghiệp. Do đó, sẽ giúp cho nhà đầu tư trong và ngoài nước củng cố niềm tin vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
PV: Ông có khuyến nghị gì về vấn đề này không, thưa ông?
Ông Thomas Mc. Clelland: Dựa trên phản hồi của nhiều doanh nghiệp Eurocham, thời gian ban hành hướng dẫn chi tiết để giảm chi phí có thể kéo dài hơn và trong một số trường hợp, việc thực thi có thể sẽ không suôn sẻ và đồng bộ. Do đó, tôi nghĩ rằng việc ban hành hướng dẫn áp dụng cho từng hạng mục giảm chi phí cần phải được đẩy nhanh hơn, chi tiết hơn và thiết thực hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thảo Miên (thực hiện)