Ba kho số để lựa chọn
Trong khoản 5, Điều 47 của Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ có nêu quy định đối với việc cấp biển số xe cơ giới. Theo đó, các tổ chức, DN và cá nhân có thể tham gia đấu giá để sở hữu biển số đẹp, số chọn.
Theo đề xuất của Bộ Công an, có ba hình thức cấp biển số xe ô tô: Cấp biển số xe thông qua đấu giá trực tuyến; Cấp biển số xe theo sở thích có thu phí; Cấp biển số xe trên hệ thống đăng ký, quản lý xe (như hiện nay đang áp dụng).
Bộ Công an đề xuất phương án cấp biển số xe thông qua đấu giá. Ảnh: Trần Dũng |
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết, việc đấu giá biển số được áp dụng cho các xe ô tô con, ô tô khách và ô tô tải đăng ký tư nhân (tổ chức, DN, cá nhân). Không cấp cho các xe ô tô được mua sắm từ ngân sách Nhà nước, xe của cơ quan ngoại giao…
“Sẽ có ba kho số để người dân lựa chọn bao gồm: Kho số đẹp, kho số theo tùy chọn và kho số ngẫu nhiên. Đối với kho số đẹp và kho số tùy chọn, người dân bắt buộc phải đấu giá để sở hữu” - Thượng tá Nhật nói.
Theo đó, kho số đẹp sẽ bao gồm những biển số có định dạng đặc biệt như: 5 số giống nhau (aaa.aa); 4 số giống nhau (abb.bb, aaa.ab…); 3 số giống nhau (aaa.bb, abc.cc,…); số tiến; số lặp, số đối xứng… Những số thuộc kho số này được đăng công khai ở nơi đăng ký xe và trên các cổng dịch vụ trực tuyến để tiến hành đấu giá.
Hội đồng đấu giá sẽ được thành lập, đồng thời thiết lập, vận hành trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến theo đúng Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Người trúng đấu giá có quyền sở hữu biển số xe đó, không phải nộp lệ phí đăng ký cấp biển số ô tô.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cũng cho biết, đối với những biển số theo sở thích (ngày sinh, năm sinh, số theo phong thủy…), nếu chủ phương tiện có nhu cầu sẽ được chuyển vào kho số tùy chọn và cũng tiến hành đấu giá theo quy định. “
Nhiều điểm cần làm rõ
Theo đại diện Bộ Công an, việc đấu giá biển số xe là hình thức rất mới ở Việt Nam. Do đó, Bộ đang lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân để hoàn chỉnh Dự thảo luật. Hiện nay, có hai phương án được đưa ra bàn thảo.
Phương án thứ nhất: Người trúng đấu giá được quyền sở hữu biển số đó như một loại tài sản (có quyền sử dụng, chiếm hữu và định đoạt). Phương án thứ hai: Biển số được cấp cho người trúng đấu giá được giữ lại biển số khi sang tên, chuyển nhượng xe và được sử dụng biển số đó để đăng ký cho một xe khác (nhưng phải đúng tên đúng người trúng đấu giá). Trong thời gian một năm, nếu không được đăng ký sẽ chuyển lại về kho số thường.
Luật sư Dương Đức Thắng - Phó Giám đốc Công ty Luật Myway, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, biển số xe là công cụ quản lý của Nhà nước, nếu qua quá trình đấu giá sẽ trở thành tài sản theo đúng Bộ Luật dân sự 2015 nhưng là một loại tài sản có đặc trưng riêng. Do vậy, cơ chế pháp lý cho việc đấu giá biển số xe cần được thực hiện rất nghiêm ngặt, tránh mâu thuẫn chồng chéo mà vẫn thuận tiện cho việc quản lý về trật tự xã hội, ATGT, tránh đầu cơ, trục lợi. "Việc chuyển nhượng, mua bán biển số (nếu được chấp thuận) bắt buộc phải gắn liền với một chiếc xe cụ thể" - ông Thắng nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đấu giá biển số đẹp ngoài những lợi ích có thể nhìn thấy thì việc quan trọng nhất là tạo dựng được một hành lang pháp lý chặt chẽ, hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh để tránh tiêu cực và thất thu trong quá trình triển khai.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần tính đến những phản ứng và hệ luỵ xã hội có thể gặp phải từ việc đấu giá biển số xe như: Tâm lý ăn thua, trào lưu sính số đẹp một cách thái quá hay xuất hiện thị trường “ngầm” chọn số đẹp cho nhiều loại hình như thẻ căn cước công dân, hộ chiếu, tài khoản ngân hàng...
"Đa số các nước quy định biển số gắn liền với một chiếc xe, không được sử dụng hai lần. Việc đấu giá biển số đẹp là chủ trương đúng giúp tăng thu ngân sách và thêm cơ hội sở hữu biển số đẹp cho đông đảo người dân nhưng quá trình thực hiện cần phải công khai, minh bạch. " - Giảng viên Cao cấp trường Đại học GTVT, GS.TS Từ Sỹ Sùa
Hoàng Hiệp