Theo báo cáo mới trên tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ, khi thương mại điện tử bùng nổ, những yếu tố từng là ưu điểm trong việc giảm ô nhiễm lại phản tác dụng.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng lượng khí thải nhà kính phát sinh từ việc mua sắm tại các cửa hàng truyền thống ít hơn so với việc mua hàng từ một doanh nghiệp chỉ bán trên internet.
Để phân tích về vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào một phần của chuỗi cung ứng bán lẻ gọi là giao hàng "chặng cuối", khoảng cách giữa cửa hàng với khách hàng hoặc khoảng cách giữa trung tâm phân phối hàng hóa đến khách hàng.
Kết quả phân tích lượng khí thải các bon trong công đoạn "giao hàng chặng cuối" của ba loại kênh mua sắm phổ biến nhất ở Vương quốc Anh và Mỹ gồm mua sắm trực tiếp tại cửa hàng; "brick & clicks" (hình thức đặt hàng trực tuyến và cửa hàng truyền thống sẽ tiến hành giao hàng) và "pure player" (chỉ tập trung vào mảng bán hàng trực tuyến) cho thấy, lượng khí nhà kính trên mỗi mặt hàng được mua trực tiếp tại các cửa hàng cao hơn "brick & clicks", nhưng lại thấp hơn hình thức "pure players".
Lý giải kết quả này, chuyên gia Sadegh Shahmohammadi, nghiên cứu sinh tiến sĩ Khoa học Môi trường tại Đại học Radboud, Hà Lan phân tích, lý do chính nằm ở cách thức mua sắm. Khi đi mua sắm trong một cửa hàng, mọi người thường mua các món hàng tiêu dùng trong một giao dịch với số lượng lớn vì phụ thuộc vào việc các cửa hàng tại nơi sinh sống.
Tuy nhiên, khi tiến hành mua sắm trực tuyến, người dùng có xu hướng tiến hành giao dịch do nhu cầu đặt mua hàng hóa ở nhiều cửa hàng hoặc chia thành nhiều thời điểm khác nhau. Điều này vô hình dung tạo ra nhiều chất thải như bao bì, thùng nhựa, túi ni lông ra môi trường.
Cùng với đó, nhiều đơn hàng được vận chuyển đồng nghĩa với nhiều xe giao hàng phải di chuyển trên đường, điều này lại đồng nghĩa với khả năng tăng kẹt xe, tăng tiếng ồn và tăng ô nhiễm. Từ năm 2016, giao thông vận tải đã thay thế các nhà máy sản xuất để trở thành nguồn phát thải CO2 nhiều nhất ở Mỹ.
Gần 1/4 lượng khí thải nhà kính của ngành vận tải là do xe tải hạng vừa và hạng nặng - vốn tham gia chính vào khâu giao hàng chặng cuối gây ra. Đây cũng là lý do khiến lượng khí thải nhà kính từ hình thức mua sắm trực tuyến đơn thuần cao hơn bình thường khi bước vào các kỳ nghỉ lễ.
Như vậy, món hàng được mua qua mạng dù được vận chuyển miễn phí hay không nhưng thật ra chúng mang một chi phí vô hình: tác hại môi trường. Nếu ngày xưa xe tải chỉ chở hàng từ cảng, kho hàng đến trung tâm mua sắm hay các cửa hàng rồi thôi thì ngày nay chúng phải đi thêm các đoạn đường xa hơn đưa hàng đến tay người mua.
Patrick Browne, giám đốc phụ trách bền vững toàn cầu Công ty giao nhận UPS, khẳng định thời gian xe giao hàng di chuyển trên đường có liên hệ trực tiếp với các ảnh hưởng lên môi trường. Càng cho đơn vị giao nhận (như UPS) càng nhiều thời gian thì càng tốt cho môi trường khi các doanh nghiệp không cần tăng lượng xe vận chuyển hàng hòa để đáp ứng nhu cầu nhận hàng nhanh của người tiêu dùng.
Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến đã bắt đầu chú ý hơn về vấn đề này. Walmart cho biết họ đã nghiên cứu rộng rãi về lượng khí nhà kính của cả ba kênh bán lẻ và có những nỗ lực nhằm hạn chế chúng. Trong số đó, doanh ghiệp này đã bán túi tái sử dụng cho khách hàng và hợp tác với các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu để giảm lượng khí thải.
Tương tự, Amazon, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới cho biết tính bền vững là một trong những cam kết liên tục tại công ty. Năm ngoái, Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos đã công bố kế hoạch chống biến đổi khí hậu bao gồm việc đồng sáng lập The Climate Plege, đặt mục tiêu đáp ứng Thỏa thuận Paris sớm hơn 10 năm.
Là một phần của thỏa thuận, Amazon cũng đã đặt hàng 100.000 xe giao hàng vận hành hoàn toàn bằng điện và có kế hoạch bắt đầu đưa vào sử dụng chúng trong giao hàng chặng cuối trong năm 2021. Điều này giúp Amazon tiến tới việc loại bỏ carbon vào năm 2040 và sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Trong khi các doanh nghiệp tiến hành các biện pháp đảm bảo phát triển bền vững, các chuyên gia khuyến nghị người tiêu dùng có thể cân nhắc thay đổi thói quen mua sắm, chấp nhận giảm sự tiện lợi để giúp ích cho môi trường bằng việc tự chạy xe ra cửa hàng.
Bảo Linh