Cho đến nay vẫn chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được cấp giấy phép đầu tư, cho thấy còn khoảng trống lớn về pháp lý và các chính sách liên quan làm chậm tiến độ phát triển nguồn điện rất quan trọng này. Trong khi Bộ Công Thương đề xuất sửa Quy hoạch điện VIII.
Lo ngại khi những dự án vẫn còn trên giấy
Với tiềm năng điện ngoài khơi to lớn như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm và mong muốn đầu tư nhưng những khoảng trống pháp lý làm họ do dự, thậm chí rút lui.
Tháng 6/2023, Công ty Ørsted của Đan Mạch đã thông báo ngừng các dự án đầu tư điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Lý do mà công ty này đưa ra là Việt Nam chưa đủ các chính sách thích hợp.
Việt Nam đặt ra mục tiêu cụ thể là sản xuất từ 100.000 đến 500.000 tấn hydrogen xanh từ nay đến năm 2030. |
Ørsted bắt đầu nhắm vào thị trường điện gió ngoài khơi Việt Nam từ năm 2021. Dù nhận định Việt Nam vẫn là "một thị trường quan trọng", ông Per Mejnert Kristensen, Giám đốc điều hành của Ørsted ông Kristensen nói với báo chí rằng "Ørsted sẽ đấu thầu có chọn lọc và bỏ qua các cơ hội không có đủ giá trị".
Hồi tháng 8/2022, Ørsted và Tập đoàn T&T của Việt Nam đã đề xuất hai dự án điện gió công suất 5 GW ngoài khơi tỉnh Ninh Thuận, thực hiện từ năm 2029 đến 2037, với vốn đầu tư 5,5 tỷ USD. Theo đó, Ørsted tại Việt Nam dự kiến sẽ tạo ra 2GW điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam trước năm 2030, tạo ra 25.000 việc làm.
Mới nhất, Equinor, một tập đoàn năng lượng khổng lồ trong ngành năng lượng Na Uy, đã tuyên bố rút lui và đóng cửa văn phòng tại Hà Nội.
Equinor quyết định rời Việt Nam sau một đợt rà soát thường xuyên danh mục tài sản và các dự án năng lượng tái tạo mà công ty đang nắm giữ. Equinor mở văn phòng đại diện tại Hà Nội vào tháng 5/2022. Equinor khi đó đánh giá Việt Nam với 100 triệu dân là nơi "có tiềm năng lớn để trở thành một thị trường phát triển điện gió ngoài khơi".
Ông Ingunn Svegården, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách năng lượng tái tạo châu Á - Thái Bình Dương của Equinor, từng cho rằng, việc Việt Nam cho thông qua Quy hoạch điện VIII, như là "lời kêu gọi hành động cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo mà Việt Nam đang thực sự nghiêm túc phát triển".
Không chỉ hai tập đoàn lớn rút lui, nhiều công ty năng lượng quốc tế từng có dự định phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam nhưng sau nhiều năm kế hoạch vẫn nằm trên giấy vì Việt Nam thiếu nhiều cơ chế, chính sách liên quan. Có thể kể ra như dự án trang trại gió tổng công suất 4GW của Công ty năng lượng AES Corp trụ sở Mỹ, trị giá 13 tỷ USD; dự án điện gió công suất 500MG đến 1GW vào năm 2030 của Sumitomo Corp (Nhật Bản); dự án điện gió ngoài khơi công suất 2GW của Tập đoàn Renova (Nhật Bản), đã ký biên bản ghi nhớ với PetroVietnam Group...
Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió ngoài khơi. |
“Vừa làm vừa hoàn thiện”
Với những khó khăn như vậy, với quyết tâm đầu tư cho điện gió ngoài khơi, Việt Nam bắt tay thực hiện hai dự án thí điểm điện gió ngoài khơi, để qua thực tiễn bổ sung những cơ chế, cơ sở pháp lý đầu tư với loại hình năng lượng thế hệ mới này.
Ngày 26/7/2024, chủ trì cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Việc triển khai thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi là quá trình "vừa làm, vừa hoàn thiện" nhằm hình thành đầy đủ cơ chế, chính sách pháp luật đi kèm.
Báo cáo của Bộ Công Thương tại cuộc họp đã nêu một số khó khăn, vướng mắc chính trong phát triển điện gió ngoài khơi liên quan đến quy hoạch; chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư; điều kiện tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài; đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP); triển khai đầu tư xây dựng và cấp phép xây dựng; quy định pháp luật về biển; xác định tài nguyên gió là tài sản công.
Bên cạnh đó là các vấn đề về an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia; giá điện; tín dụng; tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với thiết bị, thi công xây dựng, an toàn cháy nổ…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, Bộ cũng đang làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) để xúc tiến các bước chuẩn bị triển khai 2 dự án điện gió ngoài khơi thí điểm.
Hornsea 2, trang trại điện gió lớn nhất thế giới, chính thức hoạt động ngoài khơi Đông Yorkshire (Anh) từ ngày 31/8/2022, với công suất 1,3 GW, được đầu tư xây dựng bởi Công ty điện Đan Mạch Ørsted. |
Tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cho biết, Quy hoạch không gian biển quốc gia đã được phê duyệt. Vướng mắc đối với việc giao khu vực biển để điều tra, đo đạc, khảo sát sẽ được tháo gỡ khi sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Ngoài ra, Bộ TN-MT đã thực hiện giao biển cho 1 dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore, khoảng 10 dự án điện gió trên biển ở vùng 6 hải lý. Bộ Công Thương có thể tham khảo các quy định, thủ tục hành chính để vận dụng cho dự án điện gió ngoài khơi.
Lãnh đạo EVN, PVN cho biết, đã triển khai các bước chuẩn bị để có thể triển khai dự án thí điểm phát triển dự án điện gió ngoài khơi.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Đề án này đã được đặt ra từ lâu, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Yêu cầu là phải lựa chọn những dự án cụ thể, chỉ ra những vướng mắc về pháp lý, nghiên cứu khảo sát, chính sách, thủ tục đầu tư, tài chính, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ… trong quá trình thực hiện toàn bộ dự án. Đây là căn cứ đề xuất phương án thí điểm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc ở "luật nào, chính sách nào, thẩm quyền của ai".
"Đây là đề án để thực hiện chứ không phải xin chủ trương. Việc triển khai thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi là quá trình "vừa làm, vừa hoàn thiện" nhằm hình thành đầy đủ cơ chế, chính sách pháp luật đi kèm cho từng loại dự án phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu, sản xuất hydrogen xanh... Vì vậy, Đề án không chỉ giới hạn ở 2 đề án thí điểm của EVN, PVN", Phó Thủ tướng nói và giao Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện Đề án, sớm trình Thủ tướng Chính phủ.
Việc giao thực hiện thí điểm 2 dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên cho các công ty nhà nước, một động thái mà các nhà đầu tư cho rằng sẽ làm chậm sự phát triển của ngành công nghiệp này, vì lo ngại các công ty này không có đủ năng lực, có thể làm chậm tiến trình để hoàn thành kế hoạch tổng công suất công suất 6GW vào năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII, đặt mục tiêu đạt 6GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030.
Đến năm 2050, Việt Nam cần phải có thêm 56 GW điện tái tạo. |
Ngày 19/6/2024, tại Hà Nội, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch (DEA) và Đại sứ quán Đan Mạch công bố “Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không (EOR-NZ)”.
Phát hiện chính của báo cáo là việc Việt Nam đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 không chỉ khả thi về mặt kỹ thuật mà còn là một kịch bản hiệu quả nhất về chi phí.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, phát thải CO2 của Việt Nam cần đạt đỉnh vào năm 2030 và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cần được thực hiện khẩn trương với tốc độ nhanh hơn so với trước đây.
Báo cáo phân tích, để phát thải đạt đỉnh vào năm 2030 và trung hòa khí hậu vào năm 2050 thì cần phải có thêm 56 GW điện tái tạo (17 GW điện gió trên bờ và 39 GW điện mặt trời) vào năm 2030.
Báo cáo cũng cho biết, để thực hiện tham vọng xây dựng 84 GW năng lượng gió ngoài khơi vào năm 2050, Việt Nam cần có cam kết mạnh mẽ và hành động sớm. Đặc biệt, việc sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và có thể dự đoán được đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các khoản đầu tư lớn vào ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.
Phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ rất quan trọng để chuyển đổi xanh nền kinh tế. Trong đó có công nghiệp sản xuất hydrogen xanh, để biến tham vọng đưa nước ta trở thành trung tâm sản xuất hydrogen xanh hàng đầu ở châu Á.
Các lợi ích về môi trường và tính linh hoạt của nó trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, công nghiệp và sản xuất điện khiến hydrogen xanh ngày càng trở nên quan trọng khi Việt Nam đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Với tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và năng lượng mặt trời, Việt Nam đã phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển hydrogen xanh đến năm 2050. Mục tiêu cụ thể là sản xuất từ 100.000 đến 500.000 tấn hydrogen xanh từ đây đến năm 2030, để sau đó đạt được sản lượng từ 10 đến 20 triệu tấn từ đây đến năm 2050.
Do vậy đẩy nhanh việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý, chính sách đầu tư điện gió ngoài khơi càng rất quan trọng, mà nếu chậm chân, không chỉ lỡ cơ hội thu hút đầu tư từ các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới, mà còn gây khó khăn trong vấn đề an ninh năng lượng, làm chậm chiến lược chuyển đổi sản xuất xanh…
Bộ Công thương đề xuất sửa Quy hoạch điện VIII Sau 15 tháng được ban hành (5/2023) và hơn 5 tháng ra kế hoạch triển khai, Bộ Công thương vừa có đề nghị đến các cơ quan liên quan nghiên cứu và tham gia ý kiến với dự thảo đánh giá tình hình thực hiện và chủ trương điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Nguyên nhân cần điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, theo Bộ Công thương, là do tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025 như dự báo trong Quy hoạch điện VIII khó khả thi. Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, có 23 dự án điện khí được đầu tư và đưa vào vận hành với tổng công suất là 30.424MW. Tuy nhiên, đến nay, ngoài Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I (660 MW) đã vào vận hành từ năm 2015 chạy bằng dầu và sẽ chuyển sang sử dụng nhiên liệu khí khi có khí từ mỏ khí Lô B thì chỉ có dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, công suất 1.624MW, sử dụng LNG nhập khẩu là đang về đích, dự kiến đưa vào vận hành thương mại vào tháng 5/2025. Các dự án còn lại đều đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư và khả năng hoàn thành trước năm 2030 là khó nếu không có những giải pháp căn cơ, tháo gỡ nút thắt cho điện khí LNG. Trong khi đó, với nguồn điện than, quy hoạch đến năm 2030, có tổng công suất lắp đặt là 30.127MW, từ nay đến đó, cần đưa vào vận hành 3.383MW và sau năm 2030, sẽ không phát triển nữa theo cam kết trung hòa carbon tại COP26. Thế nhưng, hiện có 5 dự án nhiệt điện than chậm tiến độ vì nhiều lý do, gồm: Công Thanh (600MW), Nam Định I (1.200MW), Quảng Trị (1.320MW), Vĩnh Tân III (1.980MW) và Sông Hậu II (2.120MW). Trong khi nhiệt điện than đang gặp không ít khó khăn, không nhận được sự đồng thuận của các địa phương cũng như các tổ chức tín dụng. Nguồn thủy điện theo quy hoạch tổng công suất đến năm 2030 là 29.346MW, nhưng không thuận lợi vì dung lượng không còn nhiều, có thể gặp rủi ro khi phát triển. Với nguồn năng lượng tái tạo, theo Bộ Công thương, đến nay, Việt Nam chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào đã được cấp chủ trương đầu tư. Với tình hình đó, trong ngắn hạn việc tăng quy mô phát triển các dự án điện mặt trời là cần thiết để đáp ứng khả năng cung ứng điện trong thời gian tới. Theo Bộ Công thương, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII có những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, việc rà soát tình hình thực hiện các công trình lưới điện để điều chỉnh phù hợp với tiến độ các nguồn điện và cập nhật, bổ sung các công trình lưới điện vào Quy hoạch điện VIII là cần thiết. |