Có thể thấy, gió là một nguồn năng lượng vô tận và không gây ô nhiễm khí thải. Sử dụng nguồn năng này giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch gây hại cho môi trường.
Việt Nam với hàng ngàn dặm vuông của biển mở, điện gió ngoài khơi có tiềm năng lớn để cung cấp năng lượng cho hàng triệu người dân. Vùng biển rộng mở đồng thời cũng giúp tối đa hóa hiệu suất của các tuabin gió với tốc độ gió ổn định và mạnh mẽ. Việc sử dụng điện gió ngoài khơi giúp giảm lượng khí thải CO2 và các chất gây ô nhiễm khác, góp phần giảm tác động tiêu cực lên môi trường và sức khỏe con người.
Tầm quan trọng của việc phát triển điện gió ngoài khơi sẽ tạo ra một nguồn cung cấp năng lượng ổn định và bền vững, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của xã hội. Từ đó, xây dựng và vận hành các công trình điện gió ngoài khơi tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong các ngành công nghiệp liên quan như kỹ thuật, xây dựng, và quản lý dự án.
Ngoài ra, phát triển điện gió ngoài khơi đòi hỏi sự đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới công nghệ, từ đó thúc đẩy sự tiến bộ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và các công nghệ liên quan.
Tuy nhiên, xây dựng các công trình điện gió ngoài khơi đòi hỏi một số lượng lớn vốn đầu tư ban đầu. Chính phủ và các tổ chức liên quan cần hỗ trợ thông qua chính sách khuyến khích và cung cấp tài trợ để giảm thiểu gánh nặng tài chính cho các nhà đầu tư. Việc phát triển điện gió ngoài khơi cần được tiến hành trong sự cân nhắc và quản lý cẩn thận để đảm bảo bảo vệ môi trường biển và đời sống sinh vật biển.
Bên cạnh đó, để tận dụng tối đa tiềm năng của điện gió ngoài khơi, cần đầu tư vào hạ tầng truyền tải năng lượng hiệu quả để đưa năng lượng từ các trạm điện gió đến điểm sử dụng.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, với bờ biển dài và tiềm năng gió dồi dào, điện gió Việt Nam có tiềm năng ước đạt 475GW, trong đó tiềm năng kỹ thuật khoảng 160GW. Yếu tố này rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) - một trong những nhà phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới và là nhà đầu tư tập trung vào lĩnh vực phát triển năng lượng xanh tái tạo lớn nhất trên thế giới đã thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 2020, cùng với hai văn phòng dự án tại tỉnh Bình Thuận.
Ông Stuart Livesey, đại diện CIP tại Việt Nam và CEO của Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho biết: “Trang trại gió La Gàn sẽ áp dụng các tiêu chuẩn xã hội và môi trường cao nhất, đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng địa phương".
"Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi vững chắc và lâu dài, đồng thời tạo điều kiện phát triển chuỗi cung ứng địa phương thông qua chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Cơ hội cho nền kinh tế và lực lượng lao động của Việt Nam là rất lớn. Việt Nam cũng có cơ hội trở thành trung tâm hỗ trợ các thị trường lân cận phát triển điện gió ngoài khơi trong khu vực châu Á Thái Bình dương”, ông Stuart Livesey chia sẻ.
Như vậy, phát triển điện gió ngoài khơi là một lựa chọn chiến lược để đảm bảo sự phát triển bền vững trong lĩnh vực năng lượng. Việc tận dụng tiềm năng của nguồn năng lượng tái tạo này không chỉ đáp ứng nhu cầu năng lượng mà còn giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự hỗ trợ từ chính phủ, các tổ chức liên quan và các nhà đầu tư để vượt qua các thách thức về tài chính, quản lý môi trường và hạ tầng. Chỉ khi chúng ta đề cao và đầu tư vào phát triển điện gió ngoài khơi, chúng ta mới có thể đảm bảo một tương lai bền vững cho hành tinh chúng ta và thế hệ kế tiếp.
Hoàng Nguyên