Sự kiện chưa từng có tiền lệ này diễn ra với những khán đài trống trên các sân vận động nơi từng chứa đến hơn 15 nghìn khán giả cùng các vận động viên đại diện cho hơn 200 quốc gia. Bên cạnh đó, bất chấp diễn biến Covid-19 phức tạp, quyết định tổ chức sự kiện vào lúc này là một trong những khoản chi phí tốn kém nhất nhưng mang lại ít lợi nhuận nhất cho nước chủ nhà.
Với kịch bản này, vai trò của mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số khác trở nên nổi bật với tư cách phương tiện hỗ trợ chính trong giao tiếp kết nối vận động viên và người theo dõi từ các quốc gia khác nhau. Theo báo cáo Olympic Tokyo 2020 do Mitofsky thực hiện, tính riêng Mexico, ít nhất 35,4% người xem cho biết phương tiện đầu tiên truyền tải thông tin một vận động viên nước nhà giành huy chương mà họ tiếp xúc là qua mạng xã hội.
Mặt khác, nếu xét theo khía cạnh tiếp thị, công nghệ và mạng xã hội đã biến vận động viên thành những người có tầm ảnh hưởng. Về cơ bản, vận động viên sử dụng TikTok, Instagram, Twitter, Snapchat và những nền tảng khác không chỉ chia sẻ chiến công mà còn rút ngắn khoảng cách với người xem.
Các vận động viên đã tận dụng lợi thế của mạng xã hội và các nền tảng giao tiếp khác nhau để tương tác trực tiếp với người hâm mộ thông qua video và hình ảnh chia sẻ những câu chuyện về cách họ ăn uống, thói quen tập luyện, mẹo giữ dáng hoặc cuộc sống cá nhân mà trước đây rất khó để tìm hiểu. Điều này cho phép các cuộc trò chuyện thú vị hơn, đưa các vận động viên đến gần với công chúng.
Mặt khác, mạng xã hội đã tạo cơ hội cho các vận động viên lên tiếng và bày tỏ ý kiến cá nhân về hai mặt “tốt và xấu” của nhiều sự kiện. Những kênh này đã trở thành hình thức truyền thông thiết thực và hiệu quả nhất thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, lòng yêu nước hay sự nhiệt tình của cộng đồng háo hức chờ đợi chiến thắng của nước nhà.
Không những vậy, ngành công nghiệp thể thao trong Thế vận hội cũng từng bước chuyển đổi. Ngày nay, các thương hiệu, các nhà quảng cáo đã phải điều chỉnh chiến lược nhằm tối đa hóa lợi tức đầu tư, nhiều người chuyển sang lĩnh vực kỹ thuật số để "tiết kiệm" khoản đầu tư và tìm cách khác để tận dụng.
Theo một nghiên cứu của Voice of the Industry, Digital Consumer Survey 2021, được thực hiện bởi Euromonitor, 60% các thương hiệu được phỏng vấn cho rằng mức độ tương tác kỹ thuật số là yếu tố quan trọng nhất có ảnh hưởng lớn đến thương mại kỹ thuật số trong năm qua. Ví dụ: mặc dù một số thương hiệu không đủ khả năng chi trả để thuê một vận động viên đoạt huy chương vàng nhưng nếu thực hiện các chiến dịch tiếp thị có ảnh hưởng với các vận động viên được công nhận, có sức hút đã đủ để tăng lượt xem, thúc đẩy sản lượng, nhân rộng khách hàng tiềm năng.
Cuối cùng, truyền hình không còn là phương tiện duy nhất nơi người hâm mộ theo dõi các chương trình phát sóng các sự kiện thể thao. Phần lớn người xem hiện nay bị thu hút bởi các nội dung trên mạng xã hội, các nền tảng phát trực tuyến trên thiết bị di động và trang web. Thực tế cho thấy, tỷ lệ người xem lễ khai mạc Thế vận hội trên truyền hình không như mong đợi, phán ánh rõ nét sự thay đổi và các đối thủ trực tuyến ngày càng phát triển. Số lượng người xem lễ khai mạc thông qua NBCOlympics.com và ứng dụng NBC Sports đã tăng 72%. Thậm chí Tokyo 2020 còn cung cấp 20 mạng xã hội và nền tảng kỹ thuật số chính thức để công chúng có thể theo dõi Thế vận hội. Phát trực tuyến đã thoát khỏi cái bóng của truyền hình, không còn là một hoạt động kinh doanh phụ thêm thu nhập mà trở thành “gương mặt” sáng giá nhất của Olympic.
TL