Theo dữ liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các Ngân hàng Trung ương toàn cầu hiện nắm giữ khoảng 1,16 tỷ ounce vàng, với tổng giá trị là hơn 3 nghìn tỷ USD. Kim loại quý này, mà nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes từng gọi là “tài sản man rợ”, hiện chiếm dưới một phần năm trong tổng số 15,45 nghìn tỷ USD dự trữ vàng và ngoại tệ của các Ngân hàng Trung ương thế giới.
Tỷ lệ vàng trong dự trữ của các Ngân hàng Trung ương tăng lên khi các tổ chức này đã mua 305 triệu ounce trong suốt 15 năm qua. (Ảnh: Reuters). |
Dữ liệu từ IMF cho thấy, trong khi tỷ lệ của đồng đô la Mỹ đã giảm đều đặn trong suốt thập kỷ qua, đồng đô la vẫn là tài sản dự trữ chính. Theo đó, đồng đô la Mỹ chiếm 6,7 nghìn tỷ USD, tương đương 43% tổng dự trữ vàng và ngoại tệ. Vàng đứng ở vị trí thứ hai với 19,8%, tiếp theo là euro (14,7%), yên Nhật (4,2%), bảng Anh (3,7%), đô la Canada (1,9%), đô la Úc (1,7%) và nhân dân tệ Trung Quốc (1,6%).
Tỷ lệ vàng trong dự trữ của các Ngân hàng Trung ương đã tăng lên do các ngân hàng này đã mua tổng cộng tới 305 triệu ounce trong suốt 15 năm qua. Đồng thời, giá vàng cũng đã tăng lên mức kỷ lục 2.685 USD/ounce vào tháng 9 và chỉ giảm nhẹ xuống mức 2.653 USD ghi nhận vào tối thứ Hai (7/10).
Giá vàng không ổn định
Với việc giá vàng cực kỳ biến động, các nhà phân tích cho rằng, tỷ lệ vàng trong dự trữ của các Ngân hàng Trung ương toàn cầu dự kiến sẽ dao động trong những tuần tới.
Lí giải cho hiệu suất tăng trưởng mạnh mẽ của kim loại quý này có thể là do các Ngân hàng Trung ương của Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục mua một lượng lớn vàng trong những năm qua. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel sẽ leo thang và cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến giá vàng. Ngoài ra, cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, các lệnh trừng phạt toàn cầu chống lại Nga và căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã thúc đẩy sự quan tâm và đầu tư vào vàng.
Hơn nữa, khi lãi suất bắt đầu giảm, đồng đô la Mỹ yếu hơn cũng đã mang lại cho vàng một cú hích đáng kể.
Mặc dù giá trị của vàng cho đến nay vẫn được xem như một loại tài sản tiền tệ, các chuyên gia nhận định rằng, trong thời gian tới sẽ rất khó để dự đoán được hướng di chuyển của giá vàng.
Vào đầu năm, Hiệp hội Thị trường Kim loại quý London đã khảo sát hơn 20 nhà giao dịch và nhà phân tích kim loại quý. Theo đó, chỉ có một người dự đoán giá sẽ đạt 2.500 USD/ounce, trong khi một số khác nghĩ rằng giá sẽ dao động quanh mức 2.300 USD.
Khi đà tăng giá được duy trì, các ngân hàng Thụy Sĩ như UBS và Lombard Odier vẫn khuyến nghị vàng cho các nhà đầu tư dài hạn.
Ông Jeffrey Christian, một nhà phân tích tại Công ty tư vấn kim loại quý CPM, cho rằng, giá vàng hiện tại đã được tính đến ảnh hưởng từ các sự kiện toàn cầu như chiến tranh. Sau khi giá vàng bắt đầu tăng từ mức dưới 2.000 USD/ounce vào tháng 2, ông lưu ý rằng, các Ngân hàng Trung ương đã bắt đầu giảm khối lượng mua đối với kim loại này. Một số ngân hàng trung ương, bao gồm Cơ quan Tiền tệ Singapore, đã bắt đầu chốt lời khi giá vàng vượt quá 2.400 USD/ounce, ông cho biết thêm.
Trong khi đó, các công ty trang sức ở Ấn Độ, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và các nơi khác đang chịu áp lực lớn khi cố gắng chống lại mức giá cao của vàng. Các nhà phân tích cho biết, nhiều công ty đang điều chỉnh tỷ lệ giữa vàng và bạc, bạch kim - các nguyên liệu rẻ hơn trong thiết kế trang sức của họ, nhằm giữ cho giá của sản phẩm hoàn thiện được thấp hơn.
Ngoài ra, mọi ánh mắt vẫn đang dõi theo thị trường vàng ở Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, sau khi chính phủ liên bang của nước này vào tháng 7 đã cho biết sẽ giảm thuế nhập khẩu vàng từ 15% xuống còn 6%. Động thái này đã giúp giảm bớt mức giá trên trời của kim loại quý này, và mang lại một cú hích cần thiết về nhu cầu trước mùa lễ hội cuối năm, thời điểm được coi là tốt lành để mua vàng.