Các giải pháp hạn chế tình trạng nợ của BHXH

11:20 06/05/2022

Sáng 5/5, tại buổi tọa đàm “Giải pháp hạn chế tranh chấp lao động tập thể và cá nhân tại cơ sở” do Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức, gần 100 đại biểu tham gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hạn chế tranh chấp lao động, từ đó kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động (NLĐ).

Ảnh minh họa
Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, chia sẻ về giải pháp hạn chế tình trạng nợ, chậm nộp BHXH trên địa bàn TP.HCM, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung - Phó Giám đốc BHXH TP.HCM nói: “Năm 2021 là năm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, tác động không nhỏ tới việc thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN toàn quốc nói chung, TP. HCM nói riêng.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT cho NLĐ nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng bảo BHXH, BHYT. Điều này đã gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ” - bà Mỹ Dung khẳng định.

Bà Dung cho hay, năm 2021, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 2.241 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,36%. Tính đến 31-3-2022, số nợ BHXH bắt buộc là 4.058,86 tỷ đồng. Sau khi trừ nợ dưới 1 tháng là 171,18 tỷ đồng, số tiền nợ còn lại là 3.887,68 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6.84% so với kế hoạch thu BHXH bắt buộc.

Nguyên nhân của tình trạng nợ, chậm đóng là vì nhận thức của một số doanh nghiệp chưa đầy đủ về việc thực hiện đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN hằng tháng. Tình trạng đơn vị sử dụng lao động làm ăn thua lỗ dẫn đến nợ đọng kéo dài, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến công ty không ký được những hợp đồng làm việc, không duy trì sản xuất. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, một số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, việc làm và thu nhập của NLĐ không ổn định dẫn đến không có khả năng đóng BHXH đúng hạn.

Cá biệt xuất hiện trường hợp doanh nghiệp có biểu hiện cố tình chây ỳ không trả nợ BHXH, BHYT, BHTN để chiếm dụng tiền đóng BHXH.

Bà Dung đưa ra các giải pháp hạn chế tình trạng nợ của BHXH như tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động và nhận thức của NLĐ về BHXH, BHYT.

Gửi thư điện tử hàng tháng nhắc nợ những đơn vị có số nợ từ ba tháng trở lên. Lập biên bản làm việc tại đơn vị trong trường hợp đã gửi thông báo nhắc nợ nhưng đơn vị vẫn không khắc phục; Đăng tải danh sách các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ sáu tháng và có số tiền nợ từ 300 triệu đồng trở trên trang Website của BHXH TP. Đăng báo các đơn vị nợ từ sáu tháng trở lên.

Đối với những đơn vị nợ từ ba tháng trở lên và số tiền nợ trên 50 triệu, BHXH TP gửi thư mời đơn vị lên cơ quan BHXH để lập biên bản đôn đốc nhắc nhở, yêu cầu trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN theo quy định.

Đặc biệt, thanh tra đột xuất hoặc thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT đối với các đơn vị không khắc phục số tiền nợ mặc dù đã được nhắc nhở nhiều lần hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Phối hợp Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội thanh tra các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.

Bà Dung kiến nghị, đề xuất các Sở - Ngành và UBND Quận - Huyện tổ chức kiểm tra, thanh tra xử phạt các doanh nghiệp nợ BHXH không thực hiện công văn nhắc nhở của cơ quan BHXH.

Ngoài ra, Liên đoàn Lao động TP cần thông báo tình hình nợ của doanh nghiệp cho Công đoàn cơ sở (trên cơ sở thông tin do BHXH cung cấp) để thông tin lại cho NLĐ biết và tác động để doanh nghiệp nộp kịp thời, không để nợ quá lâu và quá lớn sẽ không khắc phục được, dễ dẫn tới tranh chấp phức tạp.

Về tình trạng NLĐ trên địa bàn TP.HCM ồ ạt rút BHXH một lần, bà Dung thông tin năm nay đến hết quý 1 đầu quý 2, toàn TP có 37.000 NLĐ rút BHXH một lần, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 6 đối tượng là người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đóng đủ 20 năm; lao động nữ làm việc ở xã phường, thị trấn đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đóng đủ 15 năm;

Những lao động làm việc lâu năm, đủ điều kiện hưởng BHXH nhưng phải ra nước ngoài định cư; người mắc bệnh hiểm nghèo; nghỉ việc nhưng không tìm được việc khác; công an bộ đội xuất ngũ không có khả năng đóng BHXH.

Theo bà, những đối tượng được kể trên hoàn toàn được ủng hộ, chấp thuận cho rút BHXH một lần vì lợi ích chính đáng của họ. Đây là lý do số người rút BHXH một lần tăng so với năm ngoái.

Được biết, trong 5 năm trở lại đây, BHXH TP đã phối hợp với mạnh thường quân tài trợ kinh phí để vận động NLĐ nghèo tham gia BHXH tự nguyện.

Phương Thảo 

Tags: