Năm 2024, huyện Ngọc Hiển đặt mục tiêu có gần 23.000 ha diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận sinh thái, nhằm tăng thu nhập cho người dân, cung cấp nguồn nguyên liệu tôm sạch cho thị trường xuất khẩu, và nâng cao giá trị sản phẩm tôm từ vùng ngập mặn.
Để đạt hiệu quả cao, người dân chú trọng vào khâu đầu vào, lựa chọn con giống đạt chuẩn an toàn sinh học, khỏe mạnh và có khả năng kháng bệnh cao. Tôm sinh thái được nuôi trong môi trường không sử dụng hóa chất hay kháng sinh, giúp tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Môi trường nuôi tôm ít bị ô nhiễm, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, từ đó giảm chi phí sản xuất cho người nuôi.
Ông Lê Ngọc Thạnh, một người nuôi tôm sinh thái tại ấp Ðường Kéo, xã Tân Ân Tây, chia sẻ: “Nuôi tôm sinh thái mang lại hiệu quả rất tốt, trong quá trình nuôi không sử dụng thuốc kháng sinh, chủ yếu áp dụng khoa học - kỹ thuật để tạo ra sản phẩm tôm chất lượng. Đặc biệt, mô hình này còn được hỗ trợ dịch vụ môi trường rừng và giá tôm sinh thái thường cao hơn các loại tôm khác, giúp người nuôi tăng thêm thu nhập. Những năm gần đây, diện tích nuôi tôm sinh thái ngày càng mở rộng, nhiều hộ dân chọn nuôi sinh thái để thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo mô hình sản xuất bền vững.”
Trong quá trình nuôi, người dân tuân thủ hướng dẫn từ các chuyên gia, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tối ưu hiệu quả. Năng suất thu hoạch đạt từ 200-250 kg/năm, cao hơn mô hình nuôi tôm truyền thống khoảng 20 kg/năm. Tôm sinh thái được các công ty thu mua với giá cao hơn các mô hình khác từ 5-10 ngàn đồng/kg. Sản phẩm này hiện đã được xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, và EU.
Ông Phạm Ngọc San, một nông dân ở ấp Biện Nhạn, xã Viên An Ðông, cho biết: “Trước đây tôi nuôi tôm theo kiểu truyền thống, nhưng năng suất không cao. Từ khi chuyển sang nuôi tôm sinh thái, năng suất đã cải thiện rõ rệt, tôm khỏe mạnh, lớn nhanh và đạt trọng lượng từ 20-25 con/kg, giá bán cũng tốt hơn. Mỗi đợt thu hoạch, tôi thu được trên 30 triệu đồng”.
Huyện Ngọc Hiển cũng đã thành lập các hợp tác xã và tổ hợp tác nuôi tôm sinh thái, tạo liên kết với các doanh nghiệp, công ty thu mua để ổn định đầu ra và đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh và xây dựng thương hiệu tôm sinh thái trên thị trường, từ đó tăng thu nhập cho người nuôi tôm.
Ông Lương Huỳnh Hảo, Chủ tịch UBND xã Viên An Ðông, cho biết: “Chúng tôi phối hợp với các chuyên gia để hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ nuôi tôm sinh thái, từ khâu chọn giống đến quy trình ương giống hai giai đoạn; sử dụng men vi sinh để xử lý môi trường nước và tạo thức ăn cho tôm. Tất cả các khâu từ nuôi đến thu hoạch đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, tạo ra sản phẩm tôm sạch bệnh, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi cũng khuyến khích các hộ nuôi tôm thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã để tạo sự liên kết trong sản xuất, nâng cao giá trị và chuỗi kinh tế cho tôm sinh thái”.
Ngọc Thư (Theo CMO)