Những tưởng sau khi thông qua hiệp định EVFTA vào ngày 12/02, triển vọng của ngành dệt may sẽ sáng hơn trong dài hạn sau 1 năm rối bời vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nhưng không, tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp và trầm trọng hơn đã làm đảo lộn mọi ước tính của các doanh nghiệp.
Biến động giá cổ phiếu dệt may trong 1 tháng. NCĐT tổng hợp |
Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới đà giảm mạnh của cổ phiếu dệt may trong 1 tháng trở lại đây là tâm lý bi quan của nhà đầu tư về diễn biến dịch Covid-19 không chỉ ở Việt Nam mà còn cả thế giới.
Cho tới nay, Covid-19 đã lan rộng ra 197 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi khởi phát ở Vũ Hán hồi tháng 12/2019, khiến hơn 420.000 người nhiễm bệnh và hơn 18.000 người tử vong.
“Tiêu cực” là đánh giá của CTCK SSI về tác động của dịch Covid-19 đến lĩnh vực dệt may. Bên cạnh đó, họ còn bỏ cổ phiếu MSH ra khỏi danh sách cổ phiếu ưa thích.
Bên cạnh việc dịch Covid-19 đang kìm hãm hoạt động sản xuất trong nước, các doanh nghiệp dệt may còn bị gián đoạn nguồn cung ứng nguyên vật liệu nhất là từ Trung Quốc và gần đây còn hứng chịu “cú tát” từ thông tin thị trường EU và Mỹ ngừng nhập hàng.
Bị ép chặt giữa hai cú sốc đầu vào lẫn đầu ra, hoạt động kinh doanh đi xuống và tâm lý bi quan kèm theo là chuyện có thể hiểu được.
Gặp khó từ khâu nhập khẩu nguyên vật liệu…
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, Chính phủ nước này đã cho đóng cửa nhiều nhà máy và hạn chế hệ thống giao thông vận tải trong nước và giao thương với nước ngoài.
Sự gián đoạn về sản xuất tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp dệt may thế giới do Trung Quốc đóng vai trò lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, chiếm tới 54% sản lượng ngành dệt may của thế giới trong năm 2018.
Theo Tổng cục Hải Quan, Việt Nam nhập khẩu 11,5 tỷ USD nguyên vật liệu dệt may từ Trung Quốc trong năm 2019. Hơn nữa, khoảng 60% lượng vải dùng cho sản xuất trong nước được nhập khẩu từ Trung Quốc, cho thấy sự gián đoạn này có ảnh hưởng đáng kể tới sản xuất dệt may của Việt Nam.
Mãi cho đến gần đây, khi số ca nhiễm đã giảm mạnh và chỉ còn vài ca nhiễm mới mỗi ngày, Trung Quốc mới cho mở lại các cơ sở sản xuất, nhưng việc khởi động lại sản xuất và xuất khẩu hàng hóa đi những nước khác cần có thời gian.
…cho đến khâu xuất khẩu
Hiện tại, dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã tạm lắng xuống, nhưng ở châu Âu và Mỹ, mọi thứ đang dần trở nên phức tạp và khó kiểm soát hơn.
Do đó, vào ngày 20/03, thông tin từ Hiệp hội Thêu đan TP.HCM, thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam là Mỹ vừa có thông báo ngưng nhập hàng may mặc từ Việt Nam trong 3 tuần kế tiếp. Trước đó, các nhà nhập khẩu từ EU cũng thông báo ngưng nhập hàng dệt may trong vòng 1 tháng.
Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu dệt may lớn và quan trọng của Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2019, xuất khẩu dệt may vào Mỹ đạt 14,85 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018 và chiếm 45,2% kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước. Với thị trường EU, năm 2019, khối này nhập khẩu 4,3 tỷ USD hàng dệt may từ Việt Nam, tăng 4% so với năm trước.
Với việc hai thị trường lớn nhất ngừng nhập hàng, điều này chắc chắn sẽ giáng đòn nặng nề đến các doanh nghiệp dệt may.
Nói với Thanh Niên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm thẳng thắn nhận định, một số nhà nhập khẩu của EU và Mỹ đưa ra lệnh tạm ngừng nhập khẩu các sản phẩm do dịch Covid-19 đương nhiên tác động mạnh tới xuất khẩu dệt may. Hiện chưa nói là ngừng bao nhiêu, nhưng đã có đối tác cắt đơn hàng với doanh nghiệp Việt.
“Trong cái khó ló cái khôn”
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhiều doanh nghiệp dệt may chuyển sang sản xuất khẩu trang vừa để đáp ứng nhu cầu khẩu trang cấp thiết trên thị trường, vừa để cầm cự qua mùa dịch Covid-19.
Trong các tháng tiếp theo, sản lượng khẩu trang vải phòng dịch của Vinatex dự kiến sẽ đạt 28 - 30 triệu chiếc/tháng. Đồng thời, nếu thị trường có nhu cầu sử dụng nhiều khẩu trang hơn, toàn hệ thống của tập đoàn sẽ sắp xếp tổ chức sản xuất để có thể cung ứng lên tới 50 triệu chiếc khẩu trang/tháng.
Công ty Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) công bố tổng doanh thu tiêu thụ trong tháng 2 đạt 288,6 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó doanh thu xuất khẩu đạt 219,5 tỷ đồng, tăng 47% và doanh thu nội địa đạt 36,1 tỷ đồng, tăng 240%.
Đặc biệt, công ty cho biết doanh thu nội địa tháng 2 vừa qua tăng đột biến chủ yếu đến từ các đơn hàng sản xuất khẩu trang phục vụ thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành. Lũy kế 2 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu tiêu thụ của TNG đạt 559,5 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Vũ Hạo