Bóng đá Trung Quốc run rẩy trong cơn bão tiền

11:11 03/03/2021

Sau "cú sốc" nhà đương kim vô địch "dừng cuộc chơi" vì vỡ nợ, Super League phải nhận tiếp tin buồn khác khi nguồn thu chính có nguy cơ "vỡ nợ" nốt.

Chỉ một ngày sau "tin buồn" nhà đương kim vô địch Jiangsu Suning không thể tham dự Chinese Super League 2021 vì vỡ nợ, thông tin về việc Hiệp hội bóng đá Trung Quốc chấm dứt hợp đồng bản quyền truyền hình Chinese Super League bắt đầu "lan nhanh như cháy rừng".

Theo Sina, từ nhiều nguồn tin khác nhau, BTC Chinese Super League từ ngày 8/2 đã gửi "tối hậu thư" đến đối tác giữ bản quyền truyền hình giải đấu của mình là PP Sports, với mục đích đòi món nợ mà công ty này chưa thanh toán - phần lớn phí bản quyền Chinese Super League 2020.

Trong 4 mùa giải trước, PP Sports đã trả tổng cộng hơn 4 tỷ NDT (hơn 14.000 tỷ đồng) cho bản quyền của giải đấu cao nhất của bóng đá Trung Quốc này. Song đến mùa giải 2020, do nhiều yếu tố khác nhau, việc thanh toán bị trì hoãn đến tận bây giờ.

Super League nhận thêm cú sốc nặng, bóng đá Trung Quốc run rẩy trong cơn bão tiền - Ảnh 1.

Chinese Super League không còn là "miền đất hứa".

Theo nguồn tin của Sina, cho đến hiện tại, PP Sports chỉ mới thanh toán có 150 triệu NDT, trong khi đó số tiền phải thanh toán lên đến 1,1 tỷ NTD (theo hợp đồng, con số này là 11 tỷ NDT trong vòng 10 năm). Ngày khai mạc Chinese Super League không còn xa, và BTC giải đấu này đã có quyết định cứng rắn là "giải tán" trước, đòi tiền sau với đối tác khai thác bản quyền truyền hình của mình.

Đáng chú ý, trước khi mất bản quyền truyền hình Chinese Super League, đơn vị này cũng đã mất bản quyền truyền hình Premier League và Serie A ở Trung Quốc, cũng bởi việc không thanh toán đúng kỳ hạn phí bản quyền mùa giải trước.

Việc đối tác giữ bản quyền truyền hình "vỡ nợ", theo nhận định từ truyền thông Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng cực lớn đến hình ảnh và uy tín của Chinese Super League. Thậm chí Sina còn đánh giá giải đấu từng khiến cả thế giới phải sững sờ về độ "chịu chơi, chịu chi" này sẽ "trở về máng lợn" khi nguồn thu quan trọng này bị sụt giảm đáng để.

Không còn nguồn thu "tiền tấn" từ bản quyền truyền hình, hình ảnh long lanh của Chinese Super League sẽ nhanh chóng sụp đổ, kéo theo sự ra đi của các nhà đầu tư - dẫu cho mùa giải này mức đầu tư của giải đấu chỉ còn 40% so với mùa giải 2018. Trào lưu ấy sẽ khiến các đội bóng "đại gia" Trung Quốc trở thành nạn nhân, và rốt cuộc nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chính là nền bóng đá Trung Quốc.

Ngô Trà/ Theo soha