"Không để đứt gãy kinh tế, không để tăng trưởng âm" - đó là mục tiêu Chính phủ và Thủ tướng nhắc lại nhiều lần, trong tình hình diễn biến dịch bệnh ở nước ta trở nên phức tạp hơn giai đoạn trước và nhiều diễn biến mới khó lường. Nhưng làm sao để chống đứt gãy khi tất cả các khâu đều đã yếu đi và sức chống chịu không nhiều?
Doanh nghiệp khó khăn do COVID -19
Nguyên liệu gần như cạn kiệt, quá nửa dây chuyền sản xuất đã phải ngừng hoạt động. Cùng với việc hàng loạt đơn hàng bị huỷ bỏ khiến cho nhiều doanh nghiệp giày da đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Việc đảm bảo duy trì sản xuất, ổn định cuộc sống cho người lao động đang là khó khăn lớn.
Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dệt may. Ảnh minh họa.
Khó khăn không chỉ với da giày, dịch bệnh COVID-19 cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành dệt may. 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may mới chỉ đạt 15 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ.
Những nút thắt của ngành này bao lâu nay cũng chưa được tháo gỡ khiến việc đứt gãy trong chuỗi sản xuất càng rõ hơn bao giờ hết.
Cơ hội từ EVFTA
Dù khó khăn khắp nơi và nguy cơ đứt gãy nền kinh tế là khá rõ ràng nhưng cũng có những yếu tố mới có thể tạo cơ hội kịp thời vực dậy kinh tế Việt Nam. Với EVFTA được thực thi, rất nhiều mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh, nay tiếp tục có thêm những ưu đãi để rộng đường vào châu Âu.
Gạo Việt Nam vốn chịu thuế nhập khẩu vào châu Âu ở mức rất cao, có thể lên đến 50%, nay EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế 0%.
Giày dép sẽ được EU xóa bỏ thuế đối với 42,1% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Với hàng dệt may, trong vòng 5 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế quan trên 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Thủy sản sẽ được xóa bỏ thuế quan đối với trên 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm.
EVFTA là một động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Nhưng đó chỉ là cơ hội ở phần phía trước của con đường, muốn đến được đó, phải cố gắng hàn gắn những vết rạn trong nền kinh tế, phát huy được nội lực để đáp ứng yêu cầu của hiệp định.
Với EVFTA được thực thi, hàng hóa Việt Nam có thêm những ưu đãi để rộng đường vào châu Âu.
Thực tế, kinh tế Việt Nam vẫn trông vào 3 trụ đẩy là đầu tư công, đầu tư tư, tiêu dùng nhưng đến nay có lẽ đầu tư công vẫn là nguồn có thể chủ động nhất. Quyết tâm đã có, định hướng đã rõ nhưng thời gian thực thi lại không còn nhiều? Chính sách nào để hỗ trợ cho doanh nghiệp đủ sức thoát khỏi những đứt gãy này?
PV