Theo Bộ Xây dựng, tính toán nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 10.830 tỷ đồng gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 2.870 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 7.960 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
![]() |
Với lợi thế có cảng biển nước sâu, KKT Dung Quất có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư. |
Cảng biển Quảng Ngãi gồm khu bến Dung Quất, các bến cảng Sa Kỳ, Mỹ Á, Bến Đình (đảo Lý Sơn) và các bến cảng tiềm năng khác. Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2030, cảng biển Quảng Ngãi sẽ đáp ứng năng lực vận chuyển từ 47,2 - 48,2 triệu tấn hàng hóa; từ 1,13 - 1,26 triệu hành khách. Trong giai đoạn này, quy hoạch 11 bến cảng gồm 41 cầu cảng với tổng chiều dài hơn 8,2km.
Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 217ha (chưa bao gồm phát triển các khu công nghiệp, logistics... gắn liền với cảng) và khoảng 28.650ha đã bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải.
Tại quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước Cảng biển Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang cho biết Cảng biển Quảng Ngãi gồm khu bến Dung Quất, Sa Kỳ, Mỹ Á, Bến Đình (đảo Lý Sơn) và các bến cảng tiềm năng khác theo quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất phục vụ giao lưu giữa đất liền với đảo Lý Sơn và phát triển kinh tế-xã hội địa phương; các khu neo đậu, khu chuyển tải, tránh bão.
![]() |
Bộ Xây dựng vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,5-5,5%/năm. |
Quy hoạch tới năm 2030, Cảng biển Quảng Ngãi sẽ có sản lượng hàng hóa từ 47,2-48,2 triệu tấn (chưa bao gồm hàng của các dự án mở rộng/xây mới Khu liên hợp sản xuất gang thép); hành khách từ 1,13-1,26 triệu hành khách. Cảng có tổng số 11 bến cảng gồm 41 cầu cảng với tổng chiều dài 8.251,5m (chưa bao gồm các bến cảng khác).
Cụ thể, khu bến Cảng Dung Quất, hàng hóa thông qua tại cầu cảng từ 38-38,8 triệu tấn (chưa bao gồm hàng của các dự án mở rộng/xây mới Khu liên hợp sản xuất gang thép), với quy mô 9 bến cảng (gồm 38 cầu cảng) với tổng chiều dài 7.861m (chưa bao gồm các bến cảng khác).
Bến Cảng Sa Kỳ có hàng hóa từ 0,4-0,5 triệu tấn; hành khách từ 554.800-613.300 lượt khách; quy mô có một bến cảng gồm 2 cầu cảng.
Bến Cảng Bến Đình (đảo Lý Sơn) sẽ tiếp nhận từ 0,2-0,3 triệu tấn hàng hóa; hành khách từ 577.400-648.600 lượt khách.
Giai đoạn này, các bến cảng khác gồm: bến cảng Nhà máy đóng tàu Dung Quất (gồm cầu cảng số 1 dài 420m tiếp nhận tàu trọng tải đến 300.000 tấn không tải hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; 2 cầu cảng nhập nguyên vật liệu tổng chiều dài 292m cho tàu trọng tải đến 10.000 tấn); bến du thuyền phục vụ du lịch; bến cảng phục vụ các cơ quan quản lý Nhà nước, bến nghiên cứu, huấn luyện, đào tạo, cung cấp dịch vụ hàng hải; các bến cảng, cầu cảng gắn liền với các khu bến chính đảm nhận vai trò hỗ trợ thu gom, giải tỏa hàng hóa bằng đường thủy.
Để hiện thực hóa đầu tư, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện cơ chế nhằm huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch và thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền huy động nguồn lực; khai thác nguồn lực từ quỹ đất, mặt nước, nguồn thu từ cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng đầu tư từ nguồn ngân sách; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển…
Bộ Xây dựng sẽ có cơ chế thu hút đầu tư xây dựng bến cảng, đặc biệt là các bến cảng phục vụ chung tại các khu kinh tế, công nghiệp, cụm công nghiệp để nâng cao hiệu quả đầu tư bến cảng, quỹ đất, mặt nước; hỗ trợ các doanh nghiệp cảng thực hiện trong quá trình đầu tư, xây dựng, đặc biệt là tiến độ trong công tác giải phóng mặt bằng.
Ngoài việc tận dụng tối đa năng lực cơ sở hạ tầng các bến cảng bốc dỡ đa dạng các chủng loại hàng hóa, ưu tiên bốc dỡ mặt hàng container, tổng hợp phục vụ nhu cầu Khu kinh tế Dung Quất, Bộ Xây dựng đầu tư phát triển các khu bến đồng bộ với cơ sở hạ tầng giao thông kết nối sau cảng; xây dựng cơ chế thu hút hãng tàu, đại lý hàng hải phát triển tại khu cảng.