Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án giảm thuế giá trị gia tăng, đòn bẩy kích cầu tiêu dùng

16:58 12/04/2023

Tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/7 đến hết năm nay là đề xuất mới nhất từ Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo dự thảo, Bộ Tài chính đang đưa ra 2 phương án giảm thuế khác nhau. Một là giảm 2% VAT với tất cả các nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Hai là chỉ áp dụng với các nhóm ngành nhất định.

Về thời gian thực hiện, Bộ Tài chính đề xuất kể từ khi chính sách được ban hành, dự kiến trong 6 tháng, từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2023.

Để có cơ sở báo cáo, Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT theo quy định tại Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị định 15 của Chính phủ và đánh giá tác động số thu ngân sách theo 2 phương án nêu trên để đề xuất phương án giảm thuế VAT áp dụng cho năm 2023.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc giảm thuế suất thuế VAT góp làm giảm giá hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Như vậy, chính sách này có tác động kép, vừa kích thích tăng trưởng sản xuất, vừa ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi hiện tại có 2 mức thuế suất 10% và 5%, nhiều ý kiến thắc mắc vậy tại sao mặt hàng có thuế suất 5% lại không được giảm sẽ gây nên sự thiếu công bằng.

Bên cạnh đó, đối tượng thụ hưởng cũng sẽ thay đổi, bởi nếu trong năm 2022 tập trung vào ứng phó với đại dịch và khoanh vùng hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch thì bây giờ cả nền kinh tế gặp khó khăn, không thể phân biệt đối xử như phương án 1.

Năm ngoái chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đã hỗ trợ trực tiếp cho người dân tới 38.900 tỷ đồng, nhưng quá trình thực thi được cho là vẫn ghi nhận những vướng mắc và lúng túng nhất định.

Theo đánh giá, dù giảm thuế là có lợi nhưng cũng cần kể đến chi phí tuân thủ và thời gian áp dụng có đủ dài hay không? Và đây cũng chính là lý do mà đa phần ý kiến chuyên gia được ghi nhận đều cho rằng phương án giảm thuế VAT với tất cả các nhóm ngành hàng và dịch vụ nên là lựa chọn được ưu tiên.

Theo Hội tư vấn Thuế Việt Nam, phương án giảm 2% thuế VAT cho tất cả các mặt hàng có sức tác động lớn hơn, bên cạnh đó thuận tiện cho công tác hạch toán thuế đầu vào - đầu ra tại các đơn vị và cũng không còn vướng mắc về phân loại sản phẩm, dịch vụ được giảm thuế.

"Khi thực hiện năm 2022, doanh nghiệp rất là lấn cấn trong việc xuất hoá đơn, nên xuất 8% hay xuất 10%. Ví dụ như cái thìa, cái muỗng tiêu dùng thì được giảm, nhưng từ cái sản phẩm sắt thép không được giảm rất là khó", bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết.

Theo chuyên gia thuế, thuế giá trị gia tăng là thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn, cho nên nếu như việc giảm thuế mà không giảm tất cả hàng hoá dịch vụ sẽ dẫn đến hiệu ứng chuyển thuế. Doanh nghiệp không thật sự hấp thụ được những tác động từ chính sách.

"Ví dụ như là hàng hoá này được giảm thuế nhưng thuộc đầu vào của hàng hoá khác. Hàng hoá khác không được giảm thuế nhưng lại được đầu vào giảm thuế thì sẽ dẫn đến thực chất ra là trong trường hợp đó giảm số thuế của doanh nghiệp bán hàng lại tăng số thuế phải nộp của doanh nghiệp mua hàng.

Còn ngược lại nếu doanh nghiệp sản xuất hàng hoá, dịch vụ được giảm thuế nhưng đầu vào của họ không chịu thuế thì thực chất ra có thể họ được hưởng nhưng sẽ để ở thuế đầu vào chưa khấu trừ hết, chứ cũng chưa chắc sẽ được hưởng ngay", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan - Học viện Tài chính phân tích.

Tính chung quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1,505 triệu tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy các chính sách kích cầu phục hồi kinh tế vẫn đang tiếp tục phát huy hiệu quả. Dù vậy, nếu xét về quy mô thì vẫn chưa tương xứng được với giai đoạn trước COVID-19,

Chính vì thế, để tăng tốc phục hồi và phát triển kinh tế, chính sách thuế sẽ chỉ thật sự hiệu quả nếu quá trình thực thi đơn giản, thuận tiện và được kiểm soát chặt chẽ. Bởi chỉ khi mang lại lợi ích thực chất với người dân thì mới thực sự kích thích được nhu cầu mua sắm nội địa, cũng là khơi dậy được động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nếu được thông qua thì với cùng một ví tiền của bất kỳ người dân nào sẽ có thể mua được nhiều hàng hoá hơn, qua đó kích thích nhu cầu tiêu dùng để chính các doanh nghiệp sản xuất cũng được hưởng lợi sau đó.

Như với một bó rau, nếu thuế giá trị gia tăng giảm 2%, người tiêu dùng sẽ được mua rẻ hơn, qua đó kích thích chi tiêu nhiều hơn và đóng góp doanh thu tốt hơn cho nhà bán lẻ. Còn với hộ kinh doanh ăn uống mua về để làm nguyên liệu, thì rõ ràng là chi phí đầu vào cũng giảm đi, từ đó có thể giảm giá bán và kéo khách đến ăn nhiều hơn.

"Thông qua chính sách này với giá bán giảm, người tiêu dùng mua hàng nhiều, chúng tôi bán được nhiều sản phẩm hơn, thì đối với những nhà cung cấp hàng hóa trực tiếp cho doanh nghiệp bán lẻ họ cũng sẽ được lợi. Khi đó nhà cung cấp cũng sẽ tương đồng bán được nhiều hàng hóa cho doanh nghiệp bán lẻ", bà Đoàn Kim Hương - Giám đốc Khối Vận hành, Hệ thống siêu thị Aeon đánh giá.

Thanh Xuân