"Làn sóng" phản đối từ các chuyên gia kinh tế và dư luận
Những ngày qua, câu chuyện Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) tái đề xuất áp giá trần, giá sàn vé máy bay đang làm nóng dư luận.
Cụ thể, với giá trần, Vietnam Airlines đề xuất tăng từ 50.000 đến 250.000 đồng cho các chặng bay từ 500km đến 1.280km trở lên. Giá vé trần sẽ được giữ nguyên với các đường bay phát triển kinh tế xã hội, nhóm đường bay khác dưới 500km.
Với giá sàn, theo phương án thứ nhất, Vietnam Airlines đề xuất áp bằng chi phí biến đổi của hàng không giá rẻ căn cứ theo chi phí của Pacific Airlines (thuộc Vietnam Airlines Group) giai đoạn 2019. Theo đó, giá sàn cho các đường bay dưới 500km là 414.000 đồng; 570.000 đồng các đường bay 500 - 850km; 755.000 đồng cho các đường bay 850 - 1.000km; 804.000 đồng cho các đường bay 1000 - 1.280km và 917.000 đồng cho các đường bay từ 1.280 km trở lên.
Phương án áp giá sàn thứ hai của Vietnam Airlines đưa ra là bằng 35% trần giá vé đề xuất, cao hơn phương án thứ nhất. Theo đó, giá sàn cho các đường bay từ dưới 500km cho đến 1.280km trở lên sẽ tăng dần từ 560.000 đồng lên cao nhất là 1,4 triệu đồng.
Không chỉ dừng lại ở việc tái đề xuất về giá vé, Vietnam Airlines còn mong muốn có thêm hỗ trợ để doanh nghiệp này phát huy vai trò, trách nhiệm là hãng hàng không quốc gia. Đáng chú ý, Vietnam Airlines còn muốn "thâu tóm" được cấp hơn 50% lượng slot bay và thương quyền được phân bổ.
Nhìn nhận về đề xuất của Vietnam Airlines, nhiều chuyên gia kinh tế và chuyên gia pháp luật cho rằng nếu áp dụng giá sàn chung cho vé máy bay như Vietnam Airlines đề xuất là vi phạm Luật Cạnh tranh, sẽ triệt tiêu động lực cạnh tranh. Đặc biệt, việc áp dụng giá sàn chung cho vé máy bay sẽ làm mất đi cơ hội cơ hội được "bay" vé giá rẻ của khách hàng.
Đề xuất áp giá sàn vé máy bay của Vietnam Airlines đang vấp phải "làn sóng" phản đối của dư luận và các chuyên gia kinh tế, các nhà làm luật. Việc đề xuất áp trần vé máy bay của Vietnam Airlines là muốn "tước" đi cơ hội của hành khách được mua vé máy bay giá rẻ, chỉ có doanh nghiệp được hưởng lợi.
Nếu áp giá sàn vé máy bay và đưa ra 2 phương án áp giá sàn vé máy bay nội địa thì vô hình trung cơ quan quản lý đã tạo điều kiện để Vietnam Airlines được hưởng lợi mà "phớt lờ" lợi ích của người dân khi không còn được mua vé máy bay giá rẻ.
Trao đổi với báo chí, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: "Nếu muốn ngành hàng không phát triển thì nhà nước cần phải để cho các hãng hàng không cạnh tranh sòng phẳng và cơ quan quản lý chỉ nên giám sát chất lượng một cách tốt nhất".
Hiện nay, với giá vé máy bay mà các hãng hàng không đang mở bán đã tạo ra một cơ chế thị trường cạnh tranh một cách lành mạnh và phát triển rất nhanh. Cũng chính từ sự cạnh tranh này mà hành khách mới có cơ hội được mua vé máy bay giá rẻ với dịch vụ hàng không chất lượng.
"Việc cạnh tranh giữa các hãng hàng không cũng là để cải tiến về công nghệ, về dịch vụ, chất lượng của các chuyến bay, khi đó, người tiêu dùng sẽ được lợi so với việc áp giá sàn vé máy bay. Trong trường hợp nếu áp giá sàn thì nhiều doanh nghiệp sẽ chây ì, lợi dụng vào đó mà không chịu đổi mới. Tôi cho rằng cần phải tôn trọng nguyên tắc cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường", TS Lê Đăng Doanh khẳng định.
Nhìn chung, các chuyên gia hàng không thẳng thắn đưa ra nhận định rằng chính các hãng hàng không tư nhân đã tạo ra thị trường hàng không cạnh tranh, giúp ngành hàng không phát triển cả về số lượng và chất lượng so với thời kỳ độc quyền của Vietnam Airlines. Tại sao lại ứng xử bất công với những hãng bay tư nhân đã làm cho ngành hàng không phát triển tốt hơn?
Thông tin từ các cơ quan quản lý và ý kiến chuyên gia
Một đại diện Cục Hàng không Việt Nam thông tin, cơ quan này đang nghiên cứu đề xuất của Vietnam Airlines về áp giá sàn và nới giá trần vé máy bay. Đây không phải là lần đầu Vietnam Airlines đưa ra đề xuất này. Việc đề xuất là bình thường vì tùy theo hình thức, chiến lược kinh doanh của từng hãng.
"Tuy nhiên giá trần, giá sàn liên quan đến hành khách nhiều nên phải đánh giá tác động, xin ý kiến nhiều cơ quan liên quan. Muốn thay đổi giá trần, ban hành giá sàn thì Bộ Giao thông Vận tải phải ban hành thông tư mới thực hiện được" vị đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Về phía Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện chưa nhận được đề xuất về điều chỉnh khung giá từ Vietnam Airlines. Tuy nhiên, với thị trường hàng không Việt Nam hiện nay đang có sự tham gia của nhiều hãng hàng không tư nhân, do đó, việc điều chỉnh giá cần phải theo cơ chế thị trường. Khung pháp luật đã có quy định vấn đề này thì cần vận dụng và thực hiện theo đúng quy định.
“Thời điểm hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ chưa bàn đến chuyện áp giá sàn vé máy bay. Quan trọng nhất là ổn định hoạt động vận tải hàng không khi dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp. Mọi việc đều phải tuân thủ pháp luật để tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp”, vị đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là nếu có xem xét điều chỉnh thì cũng phải theo hướng đa dạng sản phẩm cung cấp cho hành khách. Để người dân được hưởng nhiều loại dịch vụ. Ngược lại, mọi doanh nghiệp cạnh tranh cũng phải bình đẳng.
Các chuyên gia cho rằng, tại các nước phát triển họ không quy định khung giá vé máy bay như Việt Nam. Nguyên tắc quản lý giá của họ là hậu kiểm, không kiểm soát hằng ngày. Nhưng khi phát sinh đơn kiện liên quan đến một trong ba nội dung dưới đây thì cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, xử lý.
Thứ nhất là hãng hàng không có sử dụng vị thế lớn, độc quyền về mặt thị trường của mình để chèn ép, tiêu diệt đối thủ; thứ hai là có dùng vị thế độc quyền bán để bán giá quá cao hoặc quá thấp hay không; thứ ba là có sử dụng các hỗ trợ của Nhà nước tạo ra để bán phá giá, chèn ép công ty khác.
Về nguyên tắc, hành khách được tiếp cận giá rẻ phụ thuộc vào chính sách, giá thành của từng hãng theo từng chuyến bay, đường bay, mạng bay để kinh doanh. Nhưng nếu thấy hãng hàng không A bán giá rẻ quá, thấp hơn giá thành nhờ tận dụng những nguồn lực khác như ngân hàng, bất động sản thì hãng hàng không B có thể khởi kiện theo luật cạnh tranh.
Do vậy, các hãng nên phối hợp hết sức hòa bình, không móc ngoặc để đạt hiệu quả kinh doanh theo cách cùng thắng (win - win) là tốt nhất.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả của Bộ Tài chính đánh giá: "Việc áp giá sàn vé máy bay có thể là những biểu hiện triệt tiêu sự cạnh tranh lành mạnh".
PGS.TS Ngô Trí Long cho hay, hiện nay, chúng ta chưa có sự cạnh tranh lành mạnh về thị trường hàng không và thị trường xăng dầu. Lý do là bởi có một số doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh, chiếm thị phần trên 30%.
"Theo Luật giá, nhà nước chỉ áp giá trần, mà không áp giá sàn vé máy bay, bởi việc áp giá sàn không khuyến khích cạnh tranh và không có lợi cho người tiêu dùng. Nguyên tắc cạnh tranh là đặc trưng cơ bản của thị trường, phải có cạnh tranh để hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ", ông Long nói.
Trần Linh