Bài liên quan |
Cần tăng nhập khẩu điện từ Lào phòng nguy cơ thiếu điện tại miền Bắc |
Gỡ vướng mắc mặt bằng Dự án nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam qua tỉnh Quảng Nam |
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ sau cuộc họp về tiến độ triển khai các dự án quan trọng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với mục tiêu đảm bảo cung ứng điện ổn định và củng cố an ninh năng lượng.
Trong 9 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 6,82%, riêng quý III đạt 7,4%. Sự tăng trưởng này đã dẫn đến nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, dự kiến có thể tăng từ 11 - 13% vào cuối năm, cao hơn mức dự báo ban đầu 9%. Để đáp ứng nhu cầu này, Chính phủ yêu cầu tốc độ tăng trưởng điện phải đạt từ 12 - 13%.
Bộ Công Thương nghiên cứu nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc. |
Thủ tướng biểu dương EVN đã hoàn thành công trình đường dây 500 kV mạch 3 trong hơn 7 tháng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực truyền tải điện. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu EVN đảm bảo đủ nguồn điện cho các tháng cuối năm 2024 và khẳng định quyết tâm không để xảy ra tình trạng thiếu điện vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 7%. Theo tính toán, tổng công suất điện cần bổ sung thêm vào năm 2025 khoảng 2.297 MW.
Chính phủ cũng yêu cầu triển khai hiệu quả Nghị định số 80, tạo cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn. Đồng thời, giá điện phải được điều chỉnh sao cho phù hợp với khả năng chi trả của người dân, đảm bảo tính hợp lý và bền vững trong chính sách giá.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Điện lực, mở ra cơ hội phát triển các nguồn năng lượng mới như điện gió và điện hạt nhân, đồng thời xóa bỏ các thủ tục hành chính phức tạp và thúc đẩy cải cách theo hướng giảm thiểu cơ chế "xin cho".
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu, mở rộng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc để đảm bảo nguồn cung ổn định. Từ nay đến năm 2030, với mục tiêu tăng trưởng điện đạt từ 12 - 15% mỗi năm, Bộ cần xây dựng các kịch bản nguồn điện linh hoạt, đảm bảo không thiếu điện trong mọi tình huống.
Chính phủ định hướng đa dạng hóa nguồn điện, đẩy mạnh chuyển đổi từ điện than sang điện khí và phát triển nguồn điện sạch, đồng thời xem xét xây dựng điện hạt nhân để hỗ trợ bền vững cho nhu cầu năng lượng tương lai. Đối với thủy điện, sẽ có sự phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để quản lý lưu lượng nước khoa học, vừa đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, vừa phục vụ phát điện trong mùa khô miền Bắc.
Cuối cùng, Chính phủ chỉ đạo ngành điện cần tăng cường tiết kiệm chi phí, ứng dụng công nghệ số, và thực hiện điều hành giá điện theo lộ trình hợp lý, tránh những thay đổi đột ngột gây bất ổn, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì sự phát triển kinh tế lâu dài.