Tại buổi họp báo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Minh cho biết, mặc dù dịch COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng chi phối đến KT-XH, nhất là giá nguyên vật liệu tăng cao (đặc biệt là phân bón, xăng dầu).
Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh vẫn đạt mức phục hồi khá trên cả 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Tổng sản phẩm (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 6,44 % (trong đó dịch vụ tăng 9,76%).
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 19.698 tỷ đồng, đạt 50,9% kế hoạch, tăng 8,4% Sở với cùng kỳ năm 2021; trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao so với cùng kỳ (tăng 15,59%). Hầu hết các sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ (14/16 sản phẩm).
Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, vụ Đông – Xuân gieo trồng 42.465 ha cây lương thực (tăng 6,7% so với cùng kỳ), sản lượng lương thực ước đạt 290.991 tấn (tăng 6,5% so với cùng kỳ), đồng thời đã chuyển đổi 3.794 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngắn ngày khác hiệu quả hơn. Vụ Hè Thu đã xuống giống 51.153 ha cây ngắn ngày (đạt 60,2% kế hoạch vụ). Tổng diện tích trồng cây lâu năm ước đạt 109.300 ha, giảm 0,34% so với cùng kỳ (chủ yếu giảm cây thanh long). Đàn gia súc, gia cầm được phục hồi; nuôi trồng thủy sản, sản lượng tôm giống tăng so với cùng kỳ. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục tập trung triển khai, ban hành quyết định công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới của năm 2021.
Các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa, chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục thực hiện tốt.
Triển khai đồng bộ các giải pháp tích cực, nhằm phục hồi, kích cầu du lịch, qua đó hoạt động du lịch có nhiều tín hiệu khởi sắc. Toàn tỉnh đón 2.390 ngàn lượt khách, tăng 39,16% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch 4.489 tỷ đồng, tăng 17,03% so cùng kỳ.
Hoạt động TMDV vận tải, xuất nhập khẩu trở lại bình thường thông suốt. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 33.765 tỷ đồng (tăng 14,6% so với cùng kỳ). Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước thực hiện 370,4 triệu USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước có nhiều cố gắng vượt so với dự toán HĐND tỉnh giao; tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 5.904 tỷ đồng.
Công tác rà soát, điều chỉnh lập các loại quy hoạch được tập trung chỉ đạo. Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, xây dựng.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh được quan tâm thực hiện tốt. Chất lượng giáo dục, đào tạo được duy trì.
Công tác QP-AN được tăng cường, giao quân đảm bảo chất lượng và đạt chỉ tiêu đề ra.
Bên cạnh những thuận lợi còn phải kể đến những khó khăn hạn chế như: Việc liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn bất cập nhất là thanh long, vẫn còn trường hợp tàu cá, ngư dân ở một vài địa phương đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, làm ảnh hưởng đến nỗ lực chung chống khai thác IUU của tỉnh…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu địa phương cần nhanh chóng tập trung vào nhiệm vụ đạt được kế hoạch năm 2022 thông qua 7 giải pháp đã đề ra tại cuộc họp.
PV