Bình Dương: Xây dựng, phát triển thành phố thông minh tiêu biểu theo tiêu chuẩn quốc tế

15:54 21/06/2021

Năm 2019, tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis, Tiến sĩ Frank-Jürgen Richter, Chủ tịch và là người sáng lập Horasis (Cộng đồng Tầm nhìn toàn cầu), đánh giá: “Cơ sở hạ tầng tốt cùng với sự hỗ trợ tuyệt vời từ chính quyền địa phương, Bình Dương chính là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư”.

Thành phố thông minh tiêu biểu tầm thế giới   

Thực tế, khi Diễn đàn diễn ra đã thu hút gần 1.000 chính khách, diễn giả, doanh nhân, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thành phố mới Bình Dương với sự chuẩn bị tuyệt vời đã tạo ấn tượng về hình ảnh và môi trường đầu tư của Bình Dương, của Việt Nam hết sức năng động, thân thiện trong lòng bạn bè quốc tế” và không phải ngẫu nhiên mà ông Frank-Jürgen Richter nói vậy.

Bình Dương 3 năm liên tiếp được vinh danh trong 21 địa phương có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới.
Bình Dương 3 năm liên tiếp được vinh danh trong 21 địa phương có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới..

Bình Dương đã có chiến lược phát triển và những đề án cụ thể để khởi động. Đề án thành phố thông minh Bình Dương được khởi động từ năm 2016, là một nội dung cụ thể để thực hiện các chương trình phát triển đột phá của tỉnh. Đề án này lấy nòng cốt là xây dựng mối tương tác giữa "ba nhà", gồm: nhà nước - nhà khoa học (trường, viện nghiên cứu) - nhà doanh nghiệp. Đề án phát triển của Bình Dương được sự phối hợp, hỗ trợ của thành phố kết nghĩa là Eindhoven, Hà Lan. Đồng thời, tỉnh Bình Dương cũng mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế và các thành phố phát triển khác của thế giới như Hiệp hội Đô thị khoa học công nghệ thế giới, thành phố Daejeon (Hàn Quốc)…

Với thế mạnh phát triển hạ tầng, quy hoạch bài bản; đề án thành phố thông minh còn tìm kiếm những giải pháp nhằm tăng cường tiện ích tốt hơn để phục vụ cho cuộc sống của người dân. Trung tâm Thương mại thế giới tại Bình Dương được quy hoạch trên khu đất rộng gần 24ha, hiện đã có sẵn mặt bằng liền kề Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương. Trung tâm này sẽ kết nối giao thông thuận tiện với các vùng của tỉnh Bình Dương và kết nối với TP.HCM (dự kiến nhà ga trung tâm của các tuyến buýt nhanh, metro cũng sẽ được đặt tại đây). 

Trái tim của thành phố thông minh tỉnh Bình Dương là Trung tâm hành chính công tập trung.
Trái tim của thành phố thông minh tỉnh Bình Dương là Trung tâm hành chính công tập trung.

Trung tâm còn bao gồm nhiều công trình phức hợp như tòa nhà văn phòng, triển lãm hội nghị, khu mua sắm, khách sạn, giải trí. Ngoài ra, trung tâm còn xây dựng "hạ tầng mềm" khi tạo môi trường kết nối, hình thành nên các chương trình kết nối giao thương, hợp tác giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các nhà khoa học, sinh viên…

Bình Dương cũng là thành viên chính thức của Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới (WTCA). Với việc là thành viên chính thức của WTCA - một tổ chức hiện có 330 thành viên đến từ 100 quốc gia, vùng lãnh thổ có hơn 1 triệu doanh nghiệp tham gia, Bình Dương có nhiều cơ hội để thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, tạo cầu nối, môi trường để doanh nghiệp trong nước làm ăn với các đối tác trên toàn cầu.

Sau 04 năm triển khai thực hiện, Đề án TPTM Bình Dương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Điển hình là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế, ba năm liền 2019, 2020 và 2021, Bình Dương được vinh danh trong 21 địa phương có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới. Để tiếp nối và mở rộng hơn nữa Đề án, Bình Dương tiếp tục triển khai Đề án "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Binh Duong Innovation Region" với kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy nhằm thúc đẩy và xây dựng nền tảng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và rộng hơn là văn hóa đổi mới sáng tạo bền vững. Đây được xem là "bàn đạp" giúp Bình Dương xây dựng một môi trường hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ, tiếp tục tham gia vào các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới… Từ đó sẽ nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra các công cụ sản xuất mới và phát triển đồng đều trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, dần tăng tỷ trọng kinh tế số.

Trong giai đoạn 2020-2030, Đề án "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Binh Duong Innovation Region" là một mô hình hoàn toàn mới, phù hợp với thực tiễn của Bình Dương với sự vận dụng và đúc kết từ những thành tựu của các vùng đổi mới sáng tạo như Deajeon - Daedeok Innopolis (Hàn Quốc), Brainport Eindhoven (Hà Lan). Đây cũng là nội dung trọng tâm trong xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương cho giai đoạn tiếp theo.

Lần thứ 3 vinh danh liên tiếp được xem là cánh cửa mới để Bình Dương mở ra cơ hội hợp tác trao đổi kinh nghiệm với mạng lưới hơn 180 TPTM thịnh vượng khắp thế giới của ICF. Đồng thời gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, bứt phá trong thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn mới. Qua đó, tạo nền tảng cho phát triển thương mại - dịch vụ, sản xuất công nghệ cao trong tương lai.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành TPTM Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết: Để xây dựng thành phố mới Bình Dương, tỉnh có nhiều thuận lợi, bên cạnh sự hỗ trợ rất nhiều từ bạn bè quốc tế thì tỉnh có một khu đô thị mới cùng cơ sở hạ tầng và Trung tâm hành chính tập trung ở TPM Bình Dương. Nơi đây được quy hoạch rất bài bản hơn 1.000 ha để xây dựng khu đô thị mới; đồng thời quy hoạch rất bài bản từ 5.000 đến 6.000 ha để xây dựng các KCN chung quanh. Đây là điều kiện tiên quyết và thuận lợi để xây dựng TPTM Bình Dương nhằm mục đích thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy, của HĐND nhằm giúp cuộc sống nhân dân Bình Dương ngày càng tốt hơn. 

Bình Dương đang dần trở thành thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
Bình Dương đang dần trở thành thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

Điểm nhấn của thành phố mới Bình Dương là Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh, là nơi đột phá trong công cuộc cải cách hành chính nhằm thúc đẩy mạnh mẽ cho các hoạt động kinh tế, giao lưu quốc tế ở trình độ cao của tỉnh Bình Dương. Nơi đây đang thực hiện hiệu quả nền hành chính công thân thiện và toàn tâm toàn ý, tận tụy phục vụ nhân dân, đủ năng lực để đáp ứng các đòi hỏi của thực tiễn, thỏa mãn các yêu cầu hành chính của nhân dân; đồng thời tạo điều kiện cho tỉnh dễ dàng mời gọi đầu tư, hợp tác với các đối tác nước ngoài thuận lợi hơn, từ đó thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị của tỉnh nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Chính quyền điện tử là nòng cốt xây dựng đô thị thông minh

Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng là động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới, được chính quyền tỉnh Bình Dương quan tâm. Với việc áp dụng  công nghệ thông tin, truyền thông, internet vào hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương đang dần hoàn thiện chính quyền số trong quản lý.

Tỉnh Bình Dương xác định, việc xây dựng đô thị thông minh phải gắn kết, không được tách rời việc phát triển chính quyền điện tử, lấy chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng đô thị thông minh. Mục đích cuối cùng của xây dựng chính quyền điện tử là hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh và tinh nhuệ, xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành một nơi đáng sống. 

Thành phố thông minh tỉnh Bình Dương với trái tim là chính quyền điện tử.
Thành phố thông minh tỉnh Bình Dương với trái tim là chính quyền điện tử.

Chính vì vậy, trong những năm qua, Bình Dương đã quan tâm đầu tư đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT, ban hành các chính sách, chế độ ưu đãi cho công chức, viên chức làm CNTT, thu hút nhân tài, hình thành nên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng, đáp ứng nhu cầu xây dựng và vận hành Chính quyền điện tử trong tương lai.

Bình Dương cũng đã đưa vào vận hành hệ thống đường dây nóng 1022 để tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức. Hệ thống đã tiếp nhận hơn 3.938 yêu cầu, phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính, phản ánh hiện trường, hỗ trợ cấp cứu, an ninh... Đây là một trong những nội dung trọng tâm để xây dựng Chính quyền điện tử, là cơ sở để gắn kết giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.

​Thành tựu rõ nét nhất của Chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương còn được thể hiện thông qua mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Theo các báo cáo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, hệ thống Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử của tỉnh Bình Dương thường xuyên nằm trong top đầu danh sách các tỉnh, thành phố thực hiện việc tích hợp đồng bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Nhiều năm liền Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương đã vinh dự được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng nằm trong top đầu danh sách 63 tỉnh, thành phố đáp ứng các tiêu chí về cổng/trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cùng với sự đồng lòng của Chính quyền, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương đã cho thấy,  mục tiêu xây dựng, phát triển đô thị thông mình và từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử đang đi đúng hướng khi lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu cuối cùng là để mọi thành phần trong xã hội có thể hưởng thụ lợi ích và giám sát.

Hoàng Thu