Bình Dương đứng trong Top 10 của “cuộc đua” PCI 2020

15:48 16/04/2021

Theo Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa công bố, Quảng Ninh tiếp tục là địa phương dẫn đầu, và là năm thứ 4 liên tiếp nhận Cup quán quân trong bảng xếp hạng danh giá này. Nhưng đáng chú ý, trong danh sách 10 tỉnh đứng đầu, Bình Dương là tỉnh có sự cải thiện mạnh mẽ nhất với mức tăng 2,78 điểm và tăng 9 bậc so với kết quả năm 2019.

  

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhận Kỷ niệm chương Bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2020. Nguồn ảnh: Báo Bình Dương
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhận Kỷ niệm chương Bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2020. Nguồn ảnh: Báo Bình Dương.

Chỉ số PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) hợp tác xây dựng từ năm 2005 để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam, qua đó, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. 

Báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 doanh nghiệp; trong đó có trên 10.700 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 22 địa phương tại Việt Nam.  

Phối cảnh Trung tâm thương mại thế giới tại Thành phố mới Bình Dương sẽ trở thành một khu phức hợp kết nối giao thông, văn phòng, dịch vụ... - Ảnh: B.C.M.
Phối cảnh Trung tâm thương mại thế giới tại Thành phố mới Bình Dương sẽ trở thành một khu phức hợp kết nối giao thông, văn phòng, dịch vụ... Ảnh: B.C.M

Với mức điểm 70,16, Bình Dương xuất sắc đứng trong Top 10 của “cuộc đua” PCI 2020. Trong danh sách 10 tỉnh đứng đầu, Bình Dương là tỉnh có sự cải thiện mạnh mẽ nhất với mức tăng 2,78 điểm và tăng 9 bậc so với kết quả năm 2019.

Mức tăng 2,78 điểm của tỉnh Bình Dương là nhờ những đánh giá tích cực của doanh nghiệp về gia nhập thị trường (tăng 1,22 điểm) và công tác hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 0,19 điểm). Theo báo cáo PCI 2020, kết quả này có được là nhờ tỉnh Bình Dương đã rà soát và hoàn thiện cơ chế một cửa liên thông đăng ký doanh nghiệp và giải quyết các thủ tục đầu tư; thực hiện công khai minh bạch các cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư và tăng cường sự phối hợp giữa các ngành trong thu hút, quản lý các dự án đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tháo gỡ những vướng mắc để dự án được triển khai nhanh đi vào sản xuất, kinh doanh. 

Học hỏi từ mô hình của Eindhoven (Hà Lan), tỉnh Bình Dương tiếp cận ý tưởng về thành phố thông minh theo một cách khác, khác với cách tiếp cận thông thường coi thành phố thông minh là nơi áp dụng công nghệ tiên tiến để giải quyết các vấn đề xã hội cụ thể.
Học hỏi từ mô hình của Eindhoven (Hà Lan), tỉnh Bình Dương tiếp cận ý tưởng về thành phố thông minh theo một cách khác, khác với cách tiếp cận thông thường coi thành phố thông minh là nơi áp dụng công nghệ tiên tiến để giải quyết các vấn đề xã hội cụ thể.

Như vậy, tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đang được xem là hình mẫu của thành phố thông minh, với hàng loạt lợi thế "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" và tiến trình ứng dụng công nghệ cao vào khắp mọi lĩnh vực. Khởi động từ năm 2016, đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương trở thành chiến lược phát triển trọng tâm của địa phương. Mục tiêu đột phá kinh tế - xã hội, đưa kinh tế của tỉnh chuyển dần sang dịch vụ - công nghệ cao, xây dựng Bình Dương trở thành đô thị xanh, thông minh và hiện đại. Đồng thời, thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư và tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong thu hút, quản lý các dự án đầu tư, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết các vướng mắc để các dự án đi vào triển khai và sản xuất kinh doanh.

Hoàng Thu