Thực tế cho thấy, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid còn phức tạp, khó lường, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chứng minh được sức hấp dẫn, tốc độ phục hồi nhanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng tại các địa phương, cũng như các ngành nghề liên quan nói riêng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nói riêng, thời gian qua chưa thực sự phát huy hết tiềm năng thế mạnh, nhiều mảng thị trường chưa được khai thác và đầu tư có hiệu quả.
Nhiều vấn đề mới được đặt ra chưa có được giải quyết kịp thời và hợp lý của cơ quan quản lý nhà nước, như pháp lý cho các loại hình bất động sản du lịch, bất động sản văn phòng kết hợp nhà ở, trung tâm thương mại... Các quy trình, thủ tục pháp lý về tiếp cận đất đai, vận hành dự án, về cơ chế bảo đảm phòng ngừa rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường còn hạn chế nên tiềm ẩn nguy cơ của rủi ro, tranh chấp…
Nhìn lại diễn biến của thị trường bất động sản trong năm 2021, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, bên cạnh những thuận lợi, thị trường này cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Đơn cử như những vướng mắc pháp lý liên quan đang làm hạn chế nguồn cung. Chưa kể, năm 2021 còn xuất hiện rất nhiều hàng giả, hàng lậu, như bất động sản phân lô bán nền không phù hợp. Các đợt sốt giá tiềm ẩn nguy cơ “bong bóng” bất động sản...
Trong dài hạn, thị trường vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khủng hoảng như lạm phát đẩy giá bất động sản tăng, nên thị trường năm 2022 sẽ khá khắc nghiệt.
PV