TS. Trần Xuân Lượng: Ngăn “tát vét” đất đai trước giờ sáp nhập Bất động sản chăm sóc sức khỏe: “Mỏ vàng” mới của nhà đầu tư |
Thị trường bất động sản miền Bắc đang bước vào một chu kỳ phát triển mới khi hàng loạt tỉnh, thành đồng loạt công bố các dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Diện mạo đô thị, từ vùng trung tâm đến vùng ven, từ đô thị lớn đến các huyện thị, đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ.
Theo giới chuyên gia, đây là tín hiệu cho thấy dòng vốn đang quay trở lại thị trường sau một giai đoạn trầm lắng kéo dài, đồng thời mở ra nhiều dư địa tăng trưởng cho doanh nghiệp bất động sản và các nhà đầu tư dài hạn.
![]() |
Thị trường bất động sản miền Bắc đang bước vào một chu kỳ phát triển mới khi hàng loạt tỉnh, thành đồng loạt công bố các dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng. |
Tiêu biểu là Bắc Ninh, tỉnh công nghiệp chiến lược phía Bắc, đang cho thấy tham vọng mở rộng không gian đô thị quy mô lớn. Dự án khu đô thị mới tại ba phường Khắc Niệm, Vân Dương, Đại Phúc có tổng mức đầu tư gần 13.600 tỷ đồng, quy mô gần 144 ha, phục vụ hơn 11.400 cư dân.
Quy hoạch bài bản, đa dạng công năng từ nhà ở, thương mại, giáo dục đến mảng xanh và giao thông đồng bộ giúp dự án này không chỉ là nơi an cư mà còn là điểm nhấn phát triển đô thị văn minh, hiện đại.
Hà Nam – địa phương giáp ranh thủ đô – cũng không kém cạnh khi chỉ trong nửa đầu tháng 5 đã tung ra 7 dự án đô thị lớn. Đáng chú ý là dự án khu đô thị phía Tây Nam cầu Yên Lệnh với vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, cùng hàng loạt dự án tại thị xã Kim Bảng, Lý Nhân với tổng vốn hàng nghìn tỷ, tạo ra sức bật mới cho vùng ven thủ đô.
Trong khi đó, Thủ đô Hà Nội thể hiện rõ định hướng phát triển đô thị cân bằng khi kêu gọi đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội. Hai dự án tiêu biểu là khu nhà ở xã hội tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (gần 1.100 tỷ đồng) và dự án Tây Nam Kim Giang (hơn 3.500 tỷ đồng) tại huyện Thanh Trì, quận Hoàng Mai.
Mục tiêu không chỉ tạo ra quỹ nhà cho người thu nhập thấp, cán bộ công chức, mà còn giúp giảm áp lực giãn dân khu vực nội đô, đồng thời phát triển các vùng đô thị vệ tinh theo hướng bền vững.
Hưng Yên đang nổi lên như một “cực tăng trưởng mới” khi công bố loạt dự án quy mô cực lớn. Dẫn đầu là Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng Phố Hiến – dự án khủng lên đến 1.249 ha, dự kiến đấu thầu trong giai đoạn 2026-2030.
Tại thị xã Mỹ Hào, dự án Phân khu A – Khu đô thị phía Bắc Quốc lộ 5 có tổng mức đầu tư điều chỉnh từ 3.000 tỷ lên gần 35.000 tỷ đồng, cho thấy sự quyết liệt trong việc nâng cấp hạ tầng và thu hút nhà đầu tư chiến lược.
![]() |
Nhiều dự án đô thị được hình thành tại các địa phương ở miền Bắc. (Ảnh: Internet) |
Tại Hòa Bình, thành phố cùng tên và huyện Lương Sơn đang thu hút sự chú ý với 3 dự án mới, tổng mức đầu tư lên đến gần 2.000 tỷ đồng. Đặc biệt, dự án khu đô thị sinh thái Hòa Sơn quy mô 261 ha được kỳ vọng sẽ biến khu vực này thành điểm đến bất động sản nghỉ dưỡng ven đô hấp dẫn.
Tỉnh Ninh Bình, Phú Thọ, Nam Định và Hải Dương cũng ghi nhận nhiều động thái tích cực về đấu thầu dự án đô thị mới, tạo thêm nguồn cung và cơ hội đầu tư trong trung và dài hạn.
Lý giải cho làn sóng đầu tư mới
Giới phân tích nhận định, làn sóng kêu gọi đầu tư “nghìn tỷ” không chỉ đến từ nhu cầu phát triển đô thị thực chất, mà còn được thúc đẩy bởi chính sách sáp nhập đơn vị hành chính, điều chỉnh quy hoạch không gian và đầu tư công mạnh mẽ của các địa phương.
KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhấn mạnh: “Sự vào cuộc đồng bộ từ trung ương đến địa phương đang mở ra những hành lang phát triển mới. Từ hạ tầng đến chính sách đất đai, dòng vốn sẽ tiếp tục tìm đến các khu vực có quy hoạch rõ ràng, minh bạch và định hướng phát triển lâu dài.”
![]() |
KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam. |
Đặc biệt, các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh đang được coi là điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài nhờ hệ thống khu công nghiệp hiện đại, trong khi Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình trỗi dậy nhờ tiềm năng du lịch và quỹ đất rộng rãi.
Làn sóng đầu tư mạnh mẽ đang mang lại nhiều cơ hội to lớn cho phát triển kinh tế địa phương. Các dự án quy mô lớn không chỉ tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng nguồn thu ngân sách mà còn góp phần cải thiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để các tỉnh, thành phố phía Bắc từng bước hiện đại hóa đô thị, nâng cao chất lượng sống cho người dân và gia tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là không ít thách thức cần được nhận diện và xử lý kịp thời. Việc lựa chọn nhà đầu tư cần được thực hiện kỹ lưỡng, ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực tài chính vững vàng và giàu kinh nghiệm thực tế nhằm tránh tình trạng dự án bị đình trệ hoặc đội vốn. Quy hoạch các khu đô thị phải đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đồng thời chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đặc biệt, các địa phương cần nâng cao công tác giám sát, quản lý chặt chẽ tiến độ và chất lượng thi công để đảm bảo các dự án được triển khai hiệu quả, đúng kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần “chọn mặt gửi vàng”, bám sát quy hoạch, đánh giá chính xác xu hướng dịch chuyển dòng vốn và năng lực quản lý của địa phương.
Dòng vốn đổ mạnh vào các dự án nghìn tỷ cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào sự phục hồi và triển vọng của bất động sản phía Bắc. Trong bối cảnh nguồn cung ở các đô thị lớn ngày càng khan hiếm, quỹ đất mới tại các tỉnh vệ tinh trở thành “mỏ vàng” hấp dẫn cho nhà phát triển có tầm nhìn dài hạn.
Tuy nhiên, thành công sẽ đến với những ai biết kết hợp giữa khả năng tài chính, chiến lược phát triển bền vững và sự nhạy bén trước chuyển động chính sách. Bởi thị trường không dành cho những bước đi ngẫu hứng, mà là cuộc chơi của các chiến lược gia thực thụ.