Khách sạn tìm cách “làm mới” mình
Theo nghiên cứu từ Công ty Savills, tăng trưởng công suất phòng trong năm nay được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của lượng du khách quốc tế đến các điểm đến ven biển. Điển hình như Nha Trang-Cam Ranh và Phú Quốc đã ghi nhận công suất phòng tăng 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trái ngược với sự tăng trưởng công suất, giá phòng trung bình vẫn thấp hơn 3% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung khách sạn phân khúc trung cao cấp tại các thị trường như Nha Trang và Phú Quốc giữ mặt bằng giá phòng ở mức cạnh tranh để gia tăng thị phần, đặc biệt là các khách sạn vừa mở cửa sau dịch.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels cho biết “Nguồn cầu phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là sự tăng trưởng của một số thị trường khách quốc tế đã tích cực hỗ trợ quá trình khôi phục ngành nghỉ dưỡng. Dẫu vậy, khả năng nắm bắt nguồn cầu sẽ phụ thuộc nhiều vào năng lực của mỗi khách sạn. Để gia tăng lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt hơn, chúng tôi nhận thấy nhiều chủ sở hữu đang quan tâm hơn đến việc hợp tác với các nhà điều hành khách sạn quốc tế để chuyển đổi hoặc nâng cấp lên thương hiệu cao cấp hơn”.
Từ góc độ của các nhà điều hành khách sạn, việc kí kết với các dự án cải tạo, tái định vị thương hiệu giúp các chuỗi khách sạn gia tăng danh mục dự án đang hoạt động tại Việt Nam một cách nhanh chóng hơn. Kể từ sau đại dịch, thị trường ghi nhận nhiều dự án chuyển đổi thương hiệu. Giai đoạn 2022-2023 đánh dấu tỷ lệ dự án chuyển đổi thương hiệu cao kỉ lục, chiếm đến 52% tổng số dự án mang thương hiệu khách sạn quốc tế được mở mới trong giai đoạn này. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục, với ước tính khoảng 30% tổng số dự án mang thương hiệu khách sạn quốc tế mở mới trong năm 2024 tiếp tục là dự án chuyển đổi thương hiệu.
Ông Mauro chia sẻ “Làn sóng phát triển khách sạn mang thương hiệu nhà điều hành quốc tế sớm khởi đầu tại Việt Nam vào những năm 2008-2010. Thông thường một hợp đồng quản lý khách sạn có thời hạn từ 10 đến 15 năm. Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, nhiều hợp đồng quản lý này đã gần hết hạn. Một số chủ sở hữu đang cân nhắc gia hạn hợp đồng, một số khác lại cân nhắc phương án thay đổi thương hiệu khác, đặc biệt trong trường hợp dự án cần cải tạo và có khả năng nâng cấp lên thương hiệu cao cấp hơn. So với 10 năm trước đây, ngành khách sạn tại Việt Nam đã phát triển hơn nhiều, vì vậy các nhà điều hành khách sạn cũng sẵn sàng đề xuất thương hiệu cao cấp hơn nếu chất lượng dự án đáp ứng tiêu chuẩn thương hiệu”.
Bà Uyên Nguyễn, Trưởng bộ phận Tư vấn của Savills Hotels cho biết thêm: “Một số dự án đã ngưng trệ nhiều năm nay cũng đang trao đổi với các nhà điều hành khách sạn để tái khởi động trở lại dưới thương hiệu mới, có thể kể đến như một số dự án lớn tại khu vực Đà Nẵng và Hà Nội. Bên cạnh đó, một số khách sạn sau nhiều năm hoạt động cũng đang làm việc với nhà điều hành hiện tại để nâng cấp lên thương hiệu cao cấp hơn. Ví dụ, khách sạn Hilton Hà Nội Opera đang trong quá trình nâng cấp thành dự án mang thương hiệu Waldorf Astoria đầu tiên tại Việt Nam, hay Meliá Ba Vì Mountain Retreat sẽ được tái định vị thành Meliá Ba Vì Mountain, Member of Meliá Collection.”
Xu hướng song hành cùng các thương hiệu khách sạn quốc tế cũng đang mở rộng sang lĩnh vực bất động sản nhà ở, để phát triển dòng sản phẩm bất động sản mang thương hiệu (Branded Residences) theo tiêu chuẩn cao cấp hơn.
Bất động sản hàng hiệu tiếp tục phát triển
Theo ông Mauro, branded residence, dù là biệt thự nghỉ dưỡng ven biển hay là căn hộ chung cư cao cấp tại các đô thị, đang ngày càng trở nên quen thuộc hơn với thị trường bất động sản toàn cầu. Để được mang thương hiệu quốc tế, các dự án branded residence phải đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn dịch vụ khách sạn và chất lượng công trình đạt tiêu chuẩn thương hiệu, qua đó giúp đảm bảo uy tín của dự án cũng như góp phần mang đến các giá trị gia tăng cho chủ sở hữu bất động sản.
“Việt Nam hiện có 6 dự án Branded residence thuộc phân khúc hạng sang hiện đang trong quá trình phát triển. Nối tiếp hai dự án đã được bàn giao là Marriott Grand Marina Sài Gòn và The Ritz-Carlton Hà Nội, các dự án đang chuẩn bị ra mắt như Nobu Residences tại Đà Nẵng, Mandarin Oriental Residences tại Phú Yên và Đà Nẵng cũng cho thấy mức độ quan tâm của thị trường đối với phân khúc sản phẩm này”, ông nói.
Tổng quan về hoạt động phát triển khách sạn và khu nghỉ dưỡng, chỉ tính riêng khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), Việt Nam đứng thứ hai về số lượng dự án đang triển khai, chỉ sau Ấn Độ. Với 191 dự án cung cấp khoảng 49.800 phòng dự kiến đưa vào hoạt động từ nay đến năm 2028, Việt Nam được xem là một trong những thị trường quan trọng bậc nhất trong khu vực. Gần 75% số dự án đang triển khai thuộc phân khúc trung cao cấp, và khoảng 70% nguồn cung mới được dự kiến mang thương hiệu chuỗi khách sạn quốc tế.
“Phân khúc hạng sang hiện gồm 7 dự án đang hoạt động, dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi trong bốn năm tới. Các dự án hạng sang đang phát triển đều sẽ hợp tác quản lý với các thương hiệu quốc tế lâu đời. Hiện nay, phần lớn các khách sạn hạng sang, cao cấp chủ yếu tập trung tại TP.HCM, Hà Nội và Phú Quốc, chiếm khoảng 50% tổng số dự án hạng sang tại Việt Nam,” ông Mauro nhận xét về phân khúc khách sạn hạng sang.
“Trong thời gian tới, thị trường dự kiến đón nhận các dự án nghỉ dưỡng hạng sang tại các điểm đến mới như Phú Yên, Sa Pa, Ninh Bình và Vĩnh Phúc. Đây là những địa điểm được biết đến với nền văn hóa địa phương và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc,” ông chia sẻ thêm.
Bên cạnh phân khúc hạng sang, các nhà điều hành khách sạn cũng đánh giá cao tiềm năng của phân khúc trung cấp, đặc biệt là mô hình dịch vụ chọn lọc – select/focused service. Có thể kể đến như nhà điều hành Hilton đang có kế hoạch tăng gấp đôi số dự án mang thương hiệu Hilton Garden Inn dành cho phân khúc dịch vụ chọn lọc tại Việt Nam trong những năm tới.
Bà Uyên cho biết thêm: “Với ưu điểm vận hành tinh gọn và chỉ tập trung cung cấp các dịch vụ chọn lọc tùy theo đặc điểm thị trường và nhu cầu của nguồn khách nên mô hình khách sạn dịch vụ chọn lọc thường đạt biên lợi nhuận cao và đây là điểm thu hút chính của phân khúc này. Ngoài ra, với yêu cầu vốn đầu tư thấp hơn loại hình khách sạn đầy đủ dịch vụ thông thường, mô hình này ngày càng nhận được sự quan tâm của các chủ đầu tư và dự kiến sẽ tăng khoảng 70% về quy mô số phòng trong bốn năm tới, đạt 14.600 phòng.
Nếu như trước đây ở thị trường Việt Nam, các thương hiệu quốc tế thường gắn liền với các dự án khách sạn cao cấp, hạng sang thì trong thời gian gần đây, chúng tôi cũng nhận thấy xu hướng các khách sạn thuộc phân khúc tầm trung và mô hình dịch vụ chọn lọc hợp tác với các nhà điều hành quốc tế. Việc hợp tác với thương hiệu quốc tế sẽ giúp khai thác tốt hơn giá trị thương hiệu, hệ thống phân phối & marketing cũng như tối ưu hóa quy trình hoạt động, từ đó giúp các khách sạn gia tăng thị phần trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ cùng quy trình hoạt động hợp lý là những yếu tố then chốt để tối ưu hiệu quả sử dụng lao động trong mô hình khách sạn dịch vụ chọn lọc.”
Nhật Quỳnh