Kịch bản “sốt đất” ảo gây bất ổn địa phương
Ngày 25/7/2025, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã ban hành Văn bản số 546/UBND-NNMT về việc chấn chỉnh tình trạng môi giới bất động sản (BĐS) trái phép và tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.
Văn bản được gửi đến các sở, ban, ngành gồm: Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Công an tỉnh, Trung tâm Phục vụ Hành chính công (TTPVHCC), UBND các xã, phường và đặc khu Phú Quý… với nội dung nhấn mạnh tinh thần siết chặt quản lý từ tỉnh đến cơ sở.
![]() |
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm, công khai quy hoạch, siết chặt quản lý đất đai trên toàn địa bàn tỉnh. |
Thời gian qua, làn sóng môi giới BĐS trái phép có dấu hiệu gia tăng và ngày càng tinh vi. Hoạt động “cò đất” đã gây nhiễu loạn thông tin, đẩy giá đất lên cao một cách bất thường, tạo ra những cơn “sốt ảo”, làm gia tăng nguy cơ tranh chấp, lừa đảo, vi phạm trật tự xây dựng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư và an ninh trật tự tại địa phương.
Đặc biệt, tình trạng này gây thêm áp lực lên công tác quản lý đất đai trong bối cảnh chính quyền địa phương hai cấp chính thức vận hành từ ngày 1/7/2025, theo Nghị định số 151/2025/NĐ-CP của Chính phủ. Việc cấp mới hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân tại nhiều địa phương vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
“Không thể để người dân trở thành nạn nhân của những cơn sốt đất ảo, những lời mời chào đầy rủi ro từ ‘cò đất’. Cần một thị trường bất động sản minh bạch, ổn định và phát triển bền vững”, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh.
“Siết” chặt quản lý từ tỉnh đến xã, phường, đặc khu
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị khẩn trương triển khai các giải pháp mạnh, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã để lập lại kỷ cương thị trường bất động sản:
Tại UBND xã, phường, đặc khu Phú Quý: Tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động môi giới trái phép không có chứng chỉ hành nghề; công khai thông tin quy hoạch và dự án đã phê duyệt để người dân nắm rõ; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, cảnh báo các chiêu trò lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội và qua truyền miệng. Đồng thời, bố trí cán bộ chuyên trách về đất đai tại trung tâm hành chính cấp xã để tiếp nhận, xử lý hồ sơ nhanh chóng, giảm thời gian và chi phí cho người dân.
![]() |
Lâm Đồng quyết tâm “dẹp loạn” tình trạng "cò đất" lộng hành gây "sốt ảo". |
Đối với Công an tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ truy quét, xử lý nghiêm các đối tượng môi giới lừa đảo, gây mất an ninh trật tự; phối hợp với các cơ quan liên quan dẹp bỏ các đường dây “cò đất” hoạt động trên không gian mạng.
Sở Xây dựng: Tăng cường thanh tra, thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với tổ chức, cá nhân vi phạm; Sở VHTT&DL: Kiểm soát, xử lý các thông tin sai lệch về nhà đất lan truyền trên mạng xã hội.; Sở Nông nghiệp và Môi trường: Kiên quyết chặn đứng các hành vi tự ý san lấp, phân lô, bán nền trái phép; bảo vệ đất nông nghiệp khỏi tình trạng bị “xẻ thịt”; Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh: Chủ động phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và cung cấp thông tin, không để lọt kẽ hở cho môi giới lợi dụng, trục lợi chính sách.
Sở KH&CN cùng TTPVHCC: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thanh toán trực tuyến, triển khai chính quyền số, đảm bảo công khai, minh bạch và chống tiêu cực trong xử lý hồ sơ đất đai.
Động thái mạnh mẽ này không chỉ là một chỉ đạo hành chính đơn thuần mà còn là lời khẳng định quyết tâm chính trị của UBND tỉnh Lâm Đồng trong việc thiết lập một thị trường bất động sản công bằng, minh bạch, có trật tự và phát triển bền vững. Một Lâm Đồng dứt khoát “dẹp loạn cò đất”, chấn chỉnh thị trường trước khi quá muộn.