Đây là những chia sẻ của nguyên Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên xung quanh dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia được Quốc hội thảo luận vào hôm nay 16/11.
Bộ Y tế không nhiều kinh phí để lobby dự án luật !
Ông Nguyễn Văn Tiên cho biết, đây là dự án luật mang tính xã hội và tương đối nhạy cảm giống dự án luật phòng chống tác hại thuốc lá nhưng rất tiếc ở dự án luật này Bộ Y tế nói chung, ban soạn thảo không có nhiều kinh phí để tổ chức các hoạt động vận động, tuyên truyền.
“Khi chúng tôi làm dự án luật thuốc lá thấy vô vàn các cuộc hội thảo mit tinh khác nhau, đủ các loại và cuối cùng cũng thông qua được Luật dù không được mãn nguyện nhưng cũng tương đối.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên
Nhưng đối với dự án luật này mặc dù rất tích cực nhưng không có nhiều các hoạt động cho nên những thông tin trao đổi không được nhiều”, ông Tiên bày tỏ.
Ông cho biết ngay tại Tổ chức Y tế thế giới cũng không xây dựng được công ước khung về rượu bia (trong khi thuốc lá đã xây dựng được) mà chỉ đưa ra chiến lược. Vì sao lại như vậy? Bởi nếu đưa ra công ước khung, khi các nước ký thì bắt buộc nước đó phải ban hành luật. Còn chiến lược thì ngược lại.
“Điều này có nghĩa là chúng ta có thể hiểu ngầm đằng sau nó là ngành công nghiệp rượu bia góp tiền, ủng hộ cho các chính sách của WHO…Trên quy mô thế giới họ còn bị như vậy, chắc chắn là bị bên này đấm, bên kia đá làm cho dự án luật bị rơi vãi dần đi".
"Tuy nhiên dự thảo luật của ta vẫn giữ được những điểm chính của dự án luật”, ông Tiên thông tin.
Theo đó, khuyến nghị của WHO quy định rất mạnh về quảng cáo, nhiều nước đã theo. Việt Nam lúc đầu cũng muốn quy định mạnh mẽ việc cấm rượu bia và đã được lồng vào trong Luật Quảng cáo. “Tôi đã nói rất mạnh. Nhưng mấy ông văn hóa không nghe, cuối cùng quy định chỉ cấm quảng cáo rượu trên 15 độ, còn các cái khác thì không”.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên cũng chỉ ra quy định về điểm bán rượu bia cũng đã không còn là quy định cứng trong dự thảo luật trình ra Quốc hội, thay vào đó quy định giao cho các tỉnh tùy điều kiện KT – XH quy định điểm bán, giờ bán. Song quy định này theo ông là “thả gà mà không biết có đuổi được hay không”.
“Vì nếu giao cho các tỉnh, các tỉnh có làm hay không cũng tùy. Chúng ta phải gia hạn đến năm bao nhiêu tất cả các tỉnh phải có quy định về nơi bán, thời gian bán trên nguyên tắc gì đó thì các tỉnh mới làm. Còn không sẽ rất khó. Ví dụ như UBND tỉnh Hà Tĩnh còn khuyến nghị người dân uống bia do đó chúng tôi thấy quy định điểm bán, giờ bán yếu, thất bại so với các nước”, ông Tiên nhấn mạnh.
Đưa ra dẫn chứng, ông Tiên kể lại có lần ông đi công tác ở Mỹ với cán bộ Cục phòng chống HIV/AIDS. Trong đoàn có một cán bộ dù hơn 30 tuổi những người thấp, bé khi ra siêu thị mua rượu bia, nhân viên dứt khoát không bán. Họ đưa ra lý do “anh là trẻ con, chưa đủ tuổi”.
Tai nạn kinh hoàng, ám ảnh tại Ngã tư Hàng Xanh , TP.HCM do một nữ doanh nhân say rượu gây ra khiến nhiều người chết
Một nội dung khác mà trong dự thảo luật cũng không bảo vệ được đó là quy định về giá, thuế. “Tại sao ở các nước giá mua một lít rượu bằng mua 3 lít sữa mà của chúng ta mua 3 lít rượu bằng 1 lít sữa có nghĩa là không có sữa để cho trẻ con uống (giá rất đắt) nhưng rượu lại rất rẻ, sữa rất đắt với trẻ con nhưng rượu lại rất rẻ đối với người lớn. Vậy thì dẫn đến tương lai dân tộc này như thế nào?.
Dù thế, điều này khi đưa ra đã bị phản đối, bắt buộc phải bỏ đi. “So với khuyến nghị của WHO luật này rất yếu, thôi thì “méo mó có hơn không” chúng ta cố gắng đưa ra một luật mang tính chất cảnh báo xã hội người dân mà sau này có dịp lồng ghép vào các chính sách khác để dần dần luật này hoàn thiện hơn”, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên bày tỏ.
Rượu chỉ để nếm, không phải để uống xả láng
Nói về văn hóa rượu bia, ông Tiên chia sẻ, các cụ đã tổng kết rồi: rượu sinh ra chỉ để nếm, nếm có nghĩa là rất ít chứ không phải để xả láng như bây giờ mà ai cũng nói là văn hóa rượu bia, văn hóa dân tộc theo tôi nên xem xét lại những khái niệm này. Thời xưa nó khác thời bây giờ.
Như ở Hàn Quốc – trước kia đa số nông thôn, bây giờ khi đã đô thị hóa hoàn toàn, tất cả giỗ Tết họ chỉ làm trong một ngày và ngày ấy các con cháu về. Họ thay đổi như vậy, chúng ta không nên lấy cái ngày xưa để nói luật này không hợp với hoàn cảnh.
Còn đối với một số ý kiến cho rằng uống rượu giúp “tinh hoa phát tiết”, ông Tiên viện dẫn nghiên cứu của GS Từ Giấy (ông Lang khoai) đã tổng kết uống rượu qua 4 giai đoạn: Hưng phấn (đẹp, mặt đỏ hồng hào) đó là giai đoạn con công; giai đoạn thứ 2 là hăng hái phát biểu lung tung (giai đoạn con khỉ); giai đoạn thứ 3 đến giai đoạn uống nhiều quá hung hăn lên, thậm chí đánh nhau (đó là giai đoạn con sư tử) và giai đoạn thứ 4 là giai đoạn nằm ì, ngủ thậm chí nôn (giai đoạn con lợn).
“Uống rượu là như vậy. Chúng tôi nghĩ, thực tế những người nghiên cứu lâu năm, đúc kết rất là đúng”, ông Tiên nhấn mạnh. Dự luật ra đời theo ông Tiên vì lợi ích quốc gia đặc biệt lợi ích sức khỏe con người.
Đây là vấn đề cao nhất- bao nhiêu những nhà tỷ phú, đại gia cũng bỏ mạng. Có bao tiền đi nữa cũng không mua được sức khỏe do đó bảo vệ sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất" - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên chốt lại.
Doanh thu 50 tỷ nhưng chi phí cho những hệ lụy lên tới 65 tỷ Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, với dân số trên 94 triệu người, tiêu thụ mỗi năm của cả nước vào khoảng 305 triệu lít rượu, 4,1 tỷ lít bia. Đáng chú ý, xu hướng uống rượu ở tuổi trẻ gia tăng, nguy hại lớn với sức khỏe người dân.Ngoài ra, trung bình có khoảng 36% vụ tai nạn liên quan đến rượu bia, chưa tính đến hậu quả dẫn đến bạo lực gia đình, gây rối trật tự công cộng…
Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chi phí cho tiền mua rượu, bia mỗi năm của người dân Việt Nam rất lớn, khoảng 4 tỷ USD/năm, trong khi giá trị xuất khẩu gạo chỉ 2,41 tỷ USD.
Thu của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bia rượu vào ngân sách nhà nước khoảng 50 nghìn tỷ đồng, nhưng mức thấp nhất chi phí bỏ ra cho việc phòng chống tác hại rượu bia, trong đó có bệnh tật, tai nạn, không có việc làm lên tới 65 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, tỷ lệ uống rượu, bia nguy hại đang ở mức cao, cụ thể: 44,2% nam giới và 1,2% nữ giới sử dụng rượu, bia ở mức có hại (tức là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn trở lên).
N.Huyền