Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội) được thành lập vào đầu tháng 6 năm 1925. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc, Hội xuất bản tuần báo tiếng Việt Thanh niên, phát hành trong số những người Việt Nam sống ở miền Nam Trung Quốc cũng như đưa về nước và đưa sang Xiêm. Báo này vừa tuyên truyền đường lối cách mạng của Hội vừa phê phán những tồn tại ở các tổ chức cách mạng khác như Việt Nam Quang Phục Hội và Việt Nam Quốc dân Đảng.
Nòng cốt là những thành viên của tổ chức “Tâm Tâm xã” của Phan Bội Châu được giác ngộ cách mạng và có khát vọng làm cách mạng để cứu nguy dân tộc. Trong những học trò xuất sắc này có các đồng chí: Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu... là những hạt giống đỏ cách mạng sau này trong việc thành lập Đảng và lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng trong nước.
Tôn chỉ của Hội là: Đoàn kết các tầng lớp, giai cấp trong xã hội Việt Nam bị áp bức bóc lột liên hiệp với vô sản giai cấp thế giới đánh đổ chủ nghĩa Đế quốc Pháp và chế độ phong kiến giải phóng dân tộc; Đưa Cách mạng Việt Nam hòa nhập chung với Cách mạng Thế giới; Thay đổi Hình thái kinh tế của Tư bản Chủ nghĩa bằng Hình thái kinh tế Xã hội Chủ nghĩa bằng con đường đấu tranh chính trị và vũ trang khởi nghĩa toàn dân...
Ngày 21 tháng 6 năm 1925, tại số 13 đường Văn Minh, Quảng Châu (Trung Quốc) tờ báo “Thanh Niên” là cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời, phát hành số đầu tiên, được bí mật phát hành về nước, chỉ ra con đường cứu nguy dân tộc cho các tầng lớp, giai cấp, thanh niên yêu nước Việt Nam.
Cùng với Báo Thanh Niên, đồng chí Nguyễn Ái Quốc biên soạn cuốn Đường cách mạng (Dường Kách mệnh) làm kim chỉ nam dẫn dắt, soi đường cho cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân Việt Nam đấu tranh lật đổ chế độ thực dân, phong kiến giải phóng dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng lý luận Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa của tháng 10 Nga làm nền tảng tư tưởng, lý luận tiên phong cho giai cấp công nhân Việt Nam. Chuẩn bị những tiền đề cho sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930; đồng thời lãnh đạo các tầng lớp trong xã hội phát động phong trào đấu tranh cách mạng 1930-1931 đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh; Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân 1936 -1939 và giải phóng dân tộc 1939 – 1945.
Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; Thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc suốt 97 năm qua, báo chí cách mạng đã có nhiều đóng góp quan trọng và quyết định sự sống còn, đi lên của dân tộc Việt Nam qua mỗi chặng đường, mỗi thời kỳ cách mạng. Ngày nay thông tin tuyên truyền của báo chí cách mạng là tiếng nói của Đảng, của nhà nước, của nhân dân, là tiếng nói của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí là công cụ phát huy những giá trị tốt đẹp nhất những bản sắc về kinh tế, văn hóa tiến bộ giữa Đảng, nhà nước với nhân dân; giữa nhân dân với nhân dân; giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới... Hoạt động của báo chí truyền thông dưới sự định hướng lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước.
Bước vào thế kỷ 22, báo chí hiện đại phát triển trong tình hình cuộc đấu tranh về chính trị, tư tưởng trên thế giới ngày càng tinh vi, phức tạp về: Mục đích, nội dung, phương pháp, công cụ, phương tiện... Các thế lực chính trị trên thế giới sử dụng báo chí, truyền thông, mạng xã hội, báo điện tử... như một công cụ để thể hiện quyền lực chính trị cho giai cấp nắm quyền. Báo chí, truyền thông chúng ta hiện tại phát triển trong những điều kiện thuận lợi nhưng cũng nhiều nguy cơ, thách thức. Do vậy quan điểm của Đảng về người làm báo là: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Mỗi nhà báo là một cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng – văn hóa của Đảng; là nhà truyền thông, vận động xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước vì lợi ích của dân tộc và lợi ích của nhân dân lao động Việt Nam...
Đặng Hồng Lương