Cũng theo ông Nguyễn Quang Hưng: “Bệnh nhân nào cần xạ trị thì các bác sĩ giải thích cặn kẽ về việc chuyển tuyến và liên hệ với các bệnh viện theo tuyến để chuyển cho người bệnh. Trong đó có một số bệnh nhân tự tìm hiểu rồi họ tự chuyển đi, còn bệnh nhân nào ở đây thì chúng tôi chuyển tuyến, một số bệnh nhân khác nữa không có điều kiện chuyển viện, bắt buộc phải ở lại đây chờ, thì anh em bác sĩ phải thay đổi phác đồ để điều trị cho phù hợp. Còn về sửa chữa hệ thống máy, không thuộc quyền của bệnh viện, chúng tôi cũng chỉ mong sớm sửa được. Bệnh viện cũng đã có đề án nhập máy xạ trị nhưng do dịch Covid-19 nên chưa triển khai được”.
Khi phóng viên nêu câu hỏi về việc liệu phác đồ điều trị này có kết quả như xạ trị không? Và nếu như cho kết qủa như nhau thì tại sao phải đầu tư gần 30 tỷ đồng để trang bị máy xạ trị cho tốn kém? Ông Hưng giải thích: Cái này cần phải có nghiên cứu đánh giá, trên cở sở khoa học vẫn được thay đổi phác đồ điều trị trong trường hợp bất khả kháng, còn hiệu quả đến đâu cần qua quá trình điều trị mới đánh giá được. Nếu bệnh nhân hóa xạ trị đồng thời thì chúng tôi tiến hành truyền hóa trị trước và xạ trị sau.
Như vậy chiếc máy xạ trị không có “tội”, những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo ở đây càng không có tội. Nhưng họ đang phải chịu những thiệt thòi mà không phải bản thân họ gây ra. Trong tình trạng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, họ biết chuyển viện đi đâu?
Trong tình trạng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhưng máy xạ trị hỏng, bệnh nhân biết chuyển viện đi đâu? Vấn đề trên, với bệnh nhân là một câu hỏi khó; chỉ có chủ sở hữu Hệ thống máy (Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa và Công ty TNHH Thương mại & Đầu tư Y tế Nhật Quang), Sở Y tế, UBND tỉnh Thanh Hóa mới có thể giải đáp triệt để, trọn vẹn, thấu tình, đạt lý.
Trong quá trình tìm hiểu nguồn cơn sự việc, căn cứ hồ sơ, tài liệu: Năm 2009 Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa (Bên A) và Công ty TNHH Thương mại & Đầu tư Y tế Nhật Quang (bên B) đã ký Hợp đồng liên doanh đầu tư Hệ thống máy gia tốc xạ trị điều trị bệnh ung thư, địa điểm đặt máy tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa, thời gian liên doanh là 10 năm. Trong quá trình thanh lý Hợp đồng (kết thúc vào ngày 31/12/2020), hai bên A và B chưa thống nhất được số liệu đánh giá hiệu quả của Dự án và tình hình thu hồi vốn của bên B, dẫn đến “tranh chấp” về quyền sở hữu Hệ thống máy gia tốc, khi máy hỏng thì cả bên A và bên B đều không đứng ra sửa chữa...)
UBND tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương vào cuộc, có nhiều văn bản chỉ đạo, “giao Sở Y tế giải quyết các vướng mắc phát sinh trong triển khai Dụ án Liên doanh đầu tư Hệ thống xạ trị gia tốc điều trị ung thư tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh” (phần trích yếu nội dung công văn số 7470/UBND-VX ngày 1/6/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa).
Như vậy, “quả bóng trách nhiệm” đang ở trong chân Sở Y tế Thanh Hóa; mong rằng cơ quan này không phụ lòng tin của cấp trên và của nhân dân, vì mục tiêu không làm gián đoạn việc điều trị bằng máy gia tốc xạ trị cho bệnh nhân ung thư .
Ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho biết: Hệ thống máy móc đó là do liên doanh, liên kết và đã đến thời hạn thanh lý hợp đồng, dùng hơn 10 năm đến thời kỳ hỏng là do khách quan. Hiện nay, chúng tôi đang chờ tỉnh xác lập về quyền sử hữu toàn dân đối với hệ thống máy đó. Khi nào tỉnh có quyết định phê duyệt thủ tục hành chính về quyền sở hữu máy, tôi sẽ xử lý việc chuyển cho đơn vị nào quản lý. Từ đó họ sẽ có trách nhiệm trong việc sửa chữa và sử dụng hệ thống máy móc này.
Minh Hiền